Nhìn lại 5 năm công tác điều trị và cai nghiện ma túy tại Vĩnh Phúc

08/09/2020 08:08

Giai đoạn 2016-2020, với sự tích cực vào cuộc của các lực lượng chức năng, công tác điều trị và cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã mang lại những kết quả tích cực.

Hơn 40% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp

Theo số liệu khảo sát và báo cáo của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 2.383 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 596 người so với năm 2016). Cụ thể: Số người đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện là 203 đối tượng; số người nghiện đang quản lý trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ là 328 người và 1.852 người nghiện ma túy tại cộng đồng. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu là nam giới: 2.353 người (chiếm 98,7%); nữ giới: 30 người (chiếm 1,3%); độ tuổi người nghiện từ 16 - 30 tuổi: 937 người (chiếm 39,1%); từ 30 tuổi trở lên: 1.446 người (chiếm 60,9%) tổng số người nghiện. Loại ma túy sử dụng: Heroin 1.300 người (chiếm 57,5%); Ma túy tổng hợp 962 người (chiếm 40,4%); Cần sa 08 người (chiếm 0,3%); Loại khác 43 người (chiếm 1,8%).

Tuyên truyền tác hại của ma túy. Ảnh Nhật Thy

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới công tác cai nghiện và thực hiện Chương trình đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ người nghiện ma túy giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập 5 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng”; triển khai thực hiện thí điểm 18 Điểm điều trị cắt cơn cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và nhân rộng ra 100% các xã, phường, thị trấn. Đến nay các Điểm đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác quản lý, hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại địa bàn.

Việc xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách đối với người nghiện ma túy đã được quan tâm, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức đóng góp, hỗ trợ, chế độ miễn, giảm đối với người cai nghiện ma túy; mức trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực, số người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện tăng lên.

Năm 2017, đã tổ chức lại Trung tâm Giáo dục- Lao động- xã hội tỉnh thành Cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, từ đó đến nay Cơ sở cai nghiện đã tiếp nhận, điều trị 676 người nghiện ma túy, trong đó có 473 người đã hoàn thành cai nghiện; hiện đang điều trị, cai nghiện cho 203 người nghiện. Công tác cai nghiện, phục hồi tại Cơ sở cai nghiện tỉnh được duy trì tốt từ khâu tiếp nhận, phân loại để có phác đồ điều trị đạt hiệu quả, tổ chức cho 100% học viên tham gia lao động trị liệu, tăng gia cải thiện đời sống, học nghề, truyền nghề; phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức mở nhiều lớp học nghề cho học viên như may công nghiệp, cơ khí gò hàn, mộc dân dụng... phù hợp với trình độ và sức khỏe của học viên. Công tác giáo dục, tuyên truyền được duy trì thường xuyên hàng tuần, hàng tháng bằng phương pháp giảng bài trực tiếp, tuyên truyền qua loa truyền thanh của cơ sở về chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng chống tội phạm, cai nghiện phục hồi; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao cho học viên; đồng thời thường xuyên chỉ đạo rà soát, phân loại người nghiện ma túy; xây dựng các phương pháp tiếp cận, quản lý giáo dục, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong các cơ sở cai nghiện; do đó, an ninh, trật tự trong cơ sở cai nghiện được đảm bảo, không để xảy ra phức tạp.

Việc triển khai chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone tiếp tục được triển khai thực hiện tích cực. Hiên Vĩnh Phúc có 5 cơ sở” đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hiện đang điều trị bằng thuốc Methadone cho 708 bệnh nhân, đạt 88,5% chỉ tiêu đề ra. Một số bệnh nhân đã đi học nghề, tìm việc làm, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế và giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C do tiêm chích ma túy. Bệnh nhân đã được cải thiện rõ nét về mặt tinh thần, tâm trí ổn định để kiên trì điều trị, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện chặt chẽ từ xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, tổ chức các khâu tiến hành; các Tổ công tác cai nghiện đã thực hiện đúng quy trình quy định; người nghiện kết thúc giai đoạn cắt cơn được các xã, phường, thị trấn làm thủ tục bàn giao cho gia đình và các tổ chức đoàn thể, khu dân cư tiếp tục quản lý, tư vấn, giúp đỡ. Từ năm 2017 đến nay đã tổ chức cai nghiện cho 492 lượt người tại gia đình, cộng đồng dân cư.

Top