Nhức nhối 'đại dịch' ma túy đá ở Nam Á và Đông Nam Á
Một khối lượng ma túy đá kỷ lục đã được thu giữ tại Đông Á và Đông Nam Á thời gian gần đây. Đây là báo cáo được Cơ quan Phòng chống ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc công bố.
Chưa bao giờ khối lượng ma túy đá thu giữ ở Đông Nam Á lại lớn như trong thời gian gần đây. Vụ thu giữ 300kg ma tuý đá tại TPHCM hôm 20/3 là một con số đáng báo động. Vào tháng 3, 163 kg ma tuý đá được giấu trong các hộp trà và bánh quy cũng bị cảnh sát Philippines phát hiện.
Ông Aaron Aquino, Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy Philippines cho biết: "Dựa trên việc xem xét các bao bì, chúng tôi đoán số ma tuý đá đến từ khu vực Tam giác vàng. Loại bao bì này giống như các bao bì đã từng thu giữ ở Thái Lan, Việt Nam, Lào, Myanmar".
Hiện Myanmar đang bị xem là địa điểm sản xuất ma túy đá lớn nhất thế giới, trong đó bang Shan ở miền Đông là điểm nóng nhất. Ở đây tập trung nhiều cơ sở điều chế ma túy đá bất hợp pháp. Các hoạt động vận chuyển diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Ông Zau Man, một người dân ở Kutkai nói: "Ở một số nơi, người ta giao nhận đồ ăn cho đến 22h nhưng ở đây người ta có thể giao ma túy đá 24h và trong suốt cả tuần".
Trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy diễn ra tuần trước ở Myanmar, hơn 1.700kg ma túy đá đã bị thu giữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng ma túy đá được thu giữ chỉ là một phần nhỏ và không thể ước tính chính xác số lượng ma túy được sản xuất tại Myanmar.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Phòng chống ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc, hoạt động sản xuất ma túy đá đang gia tăng với tốc độ phi mã tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Riêng trong năm 2018, có ít nhất 116 tấn ma túy đá bị thu giữ, tức tăng gấp 3 lần so với năm 2013.
Điều đáng lo ngại là mặc dù bắt giữ lượng ma túy tổng hợp ở mức kỷ lục, song loại chất cấm này vẫn được mua bán với mức giá ngày một rẻ hơn tại khu vực. Điều này cho thấy nguồn cung ma túy đang tăng với tốc độ đáng báo động.
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo của Liên Hợp Quốc đó là một lượng lớn ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp xuất phát từ khu vực Tam giác vàng. Đây là vùng ngã ba biên giới giữa Myanmar, Lào và Thái Lan, vốn được coi là điểm nóng về sản xuất, buôn bán và vận chuyển ma túy tại khu vực. Theo bản báo cáo này, từ nửa cuối thập niên qua, thị trường ma túy tại Đông Á và Đông Nam Á đã chuyển từ các loại ma túy nhóm opiates sang các loại ma túy tổng hợp.
Khó khăn để ngăn chặn việc buôn bán ma túy đá ở khu vực Tam giác vàng
Trong nhiều năm qua, Tam giác vàng là nơi cung cấp ma túy bất hợp pháp khắp thế giới. Trong những năm gần đây, việc trồng thuốc phiện và buôn lậu heroin có giảm nhưng sản xuất ma túy tổng hợp đặc biệt là ma túy đá lại phát triển mạnh. Chỉ trong một chiến dịch kéo dài từ 1/10 - 31/12/2018, các lực lượng chức năng của 4 nước Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc đã bắt giữ được 2 tấn tiền chất ma tuý được đưa đến khu vực Tam giác vàng.
Trước đó, Thái Lan và Myanmar cũng đã tiến hành "phong tỏa" Tam giác vàng bằng cách ngăn chặn các hóa chất bị buôn bán vào các địa điểm sản xuất ma túy, đồng thời ngăn chặn ma tuý tuồn ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, phần lớn việc sản xuất ma túy diễn ra sâu bên trong khu rừng của Tam giác Vàng - nơi giao nhau của biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar, nên việc ngăn chặn tội phạm ma tuý ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Khu vực Đông Nam Á đã có những chính sách gì?
Từ năm 2012, cơ chế Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma tuý đã được thiết lập và chính thức được thể chế hoá từ năm 2015, đã đưa hợp tác phòng, chống ma tuý giữa các nước ASEAN lên một tầm cao mới, thể hiện cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong giải quyết vấn đề ma tuý.
Tuy nhiên, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma tuý, các quốc gia cần phải phát huy hơn nữa hiệu quả trao đổi, xử lý thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia ASEAN.
Ngoài hợp tác trong ASEAN, các nước có chung đường biên giới cũng có các thoả thuận hợp tác song phương, hợp tác tiểu vùng để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tội phạm ma tuý.