Những cân nhắc cần biết khi bắt đầu dùng thuốc HIV
Để giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh nhất có thể, việc sử dụng thuốc điều trị kháng virus HIV (ART) luôn được ưu tiên hàng đầu.
Một hoạt động của các tổ chức cộng đồng (CBO) dành cho người nhiễm HIV và người nguy cơ cao nhiễm HIV. Ảnh: Tống Nam
Việc điều trị HIV hiện tại đã dễ dàng hơn bao giờ hết, hầu hết những người mới được chẩn đoán đều được kết nối điều trị sớm, và chỉ cần uống 1 viên mỗi ngày. Bắt đầu điều trị là một bước quan trọng khởi đầu cho một hành trình chống lại HIV. Bắt đầu dùng thuốc điều trị HIV là cả một bước tiến lớn và cần một cam kết suốt đời. Dưới đây là bảy điều cần xem xét khi bạn bắt đầu hành trình hướng tới một cuộc sống lành mạnh với HIV.
1. Chấp nhận một lối sống mới
Hầu hết mọi người đều rơi vào trạng thái cảm xúc mạnh như giận dữ, sợ hãi và buồn bã sau khi xét nghiệm khẳng định là dương tính. Chúng ta đều hiểu những cảm giác này là hoàn toàn bình thường ở những người mới biết tình trạng của mình, nhưng tất cả chúng nên biết, cuộc sống vẫn tiếp diễn và chỉ cần 1 viên thuốc nhỏ mỗi ngày, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống tốt đẹp mà không cần lo lắng điều gì vì HIV chỉ là một bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp hay suy tim.
Các loại thuốc điều trị HIV hiện nay được uống một lần một ngày, là một lời nhắc nhở liên tục về sức khỏe của bạn và chúng ta không có lý do gì để từ chối hoặc trốn tránh. Con đường chấp nhận sống chung với HIV có thể dài và khó khăn. Chống lại quá trình này có thể có nghĩa là trì hoãn việc bắt đầu một cuộc sống mới khỏe mạnh hơn.
Điều cần thiết là bạn cần tìm kiếm thêm sự trờ giúp từ bạn bè, gia đình và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để xác định và có thể chia sẻ bất kì cảm giác tiêu cực, vấn đề vưỡng mắc nào bạn gặp phải khi bị nhiễm HIV để được giải tỏa và giúp bạn sẵn sàng thực hiện thói mới này hàng ngày.
2. Chuẩn bị cho tác dụng phụ vật lý
Những loại thuốc điều trị HIV mới cải tiến sau này ngày càng được cải thiện hiệu quả của thuốc với khá ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số người gặp phải các biến chứng về thể chất do uống thuốc. Chúng chủ yếu là đường tiêu hóa và thường giảm dần sau một vài tuần. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ về tâm lý. Efavirenz có thể gây ảo giác, ác mộng... Mặc dù những thứ này thường giảm dần trong vòng vài tuần. Hầu hết mọi người báo cáo không gặp khó khăn trong việc dung nạp thuốc và nếu có vấn đề xảy ra, có nhiều loại thuốc thay thế có sẵn.
Tác dụng phụ của hầu hết các loại thuốc điều trị HIV thường nhẹ, như chóng mặt hoặc mệt mỏi. Nhưng trong một số trường hợp chúng có thể nghiêm trọng hơn. Do đó những người đang điều trị bằng thuốc kháng virus nên ghi nhật ký về bất kỳ tác dụng phụ nào và mang theo nhật ký đến các cuộc hẹn với bác sĩ.
Một số loại thuốc HIV có thể tương tác với các loại thuốc khác. Họ cũng có thể tương tác với các chất bổ sung, ví dụ như vitamin. Nếu bạn quyết định bắt đầu dùng bất kỳ vitamin hoặc phương thuốc thảo dược mới, hãy chắc chắn nói với bác sĩ của bạn trước. Bất kỳ tác dụng phụ mới hoặc bất thường phải luôn được báo cáo với bác sĩ của bạn ngay lập tức.
3. Giải quyết các vấn đề về lạm dụng dược chất và sức khỏe tâm thần
Tuân thủ điều trị là điều cực kì quan trọng để bạn đạt được tải lượng dưới ngưỡng phát hiện, hay K=K (Không phát hiện bằng không lây truyền), vì nếu bạn chỉ cần không tuân thủ điều trị hay bỏ trị đều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, virus HIV có thể nhan lên bất kì lúc nào, và có nguy cơ kháng thuốc cao.
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ và chuyên gia, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất là một trong những rào cản quan trọng nhất đối với việc tuân thủ điều trị. Methamphetamine, một loại ma túy tổng được được sử dụng phổ biến ở những người đồng tính nam (một cộng đồng có nguy cơ cao), thường dẫn đến việc sử dụng ma túy kéo dài vài ngày mà không ai quan tâm đến việc uống thuốc của mình. Điều này cũng tương tự với các loại “chất giải trí” khác.
Những người dưới ảnh hưởng của ma túy sẽ thường xuyên bỏ lỡ liều. Vì vậy, bất cứ ai bắt đầu sử dụng thuốc nên chú ý đến các vấn đề lạm dụng chất. Điều này cũng đúng với các mối quan tâm về sức khỏe tâm thần. Tương tự như vậy, ai đó bị trầm cảm có thể không đủ quan tâm để lo lắng về việc tuân thủ điều trị của mình. Bất cứ ai bắt đầu dùng thuốc nên làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đảm bảo rằng bất kỳ rối loạn tâm lý hoặc vấn đề lạm dụng chất nào đều ổn định nhất có thể.
4. Hiểu về các chi phí cần thiết khi điều trị
Ở Việt Nam, rất may mắn là việc điều trị HIV đã được dễ dàng hóa với thủ tục đơn giản, ngoài ra các chương trình mục tiêu quốc gia cũng kết nối với Bảo hiểm y tế để bệnh nhân được BHYT chi trả 80% tiền thuốc và các xét nghiệm cơ bản, 20% sẽ do các dự án khác đồng chi trả hoặc UBND các tỉnh thực hiện đồng chi trả. Vì vậy, trên cơ bản, bệnh nhân điều trị ARV tại Việt Nam đều không mất chi phí nào, ngoài chi phí xét nghiệm ban đầu để vào chương trình điều trị.
Các tỉnh thành đều có chương trình hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân khó khăn không có điều kiện mua thẻ. Điều này có ý nghĩa nhân văn rất lớn, giúp bệnh nhân sớm tiếp cận với điều trị và giảm thiểu những khó khăn trong việc uống thuốc.
5. Chống lại sự kỳ thị và tự kì thị
Hơn 4 thập kì qua, mặc dù chúng ta đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc chống lại sự kỳ thị liên quan đến HIV, tuy nhiên thực tế nó vẫn tiếp tục tác động đến bất kỳ ai sống với virus. Tôi đã từng thấy có những khách hàng bỏ qua liều thuốc buổi tối vì họ có mặt tại một hội nghị kinh doanh và các đồng nghiệp liên tục vây quanh. Một người khác từ chối uống thuốc vào cuối tuần khi anh ta chăm sóc con vì sợ người thân sẽ hỏi về những lọ thuốc đã xé nhãn của anh ta. Một trường hợp đặc biệt đã từ chối điều trị vì anh ta sống với mẹ và không tiết lộ tình trạng của mình, anh ấy chỉ liên hệ với tổ chức cộng đồng CBO để được trợ giúp kết nối điều trị khi sức khỏe của anh ta đã kiệt quệ.
Trong mỗi trường hợp, sự kỳ thị từ các nguồn bên ngoài và sự tự kì thị bên trong về việc tuân thủ điều trị bằng thuốc bị ảnh hưởng bởi HIV. Điều quan trọng đối với những người bắt đầu dùng thuốc là phải tự chuẩn bị để trải nghiệm sự kỳ thị và làm việc với hệ thống hỗ trợ và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ để xóa bỏ mọi sự xấu hổ mà họ cảm thấy ảnh hưởng đến việc điều trị. Các tổ chức cộng đồng là những người thấu hiểu cảm giác và chắc chắn sẽ có những lời khuyên, chia sẻ tốt nhất cho bệnh nhân.
6. Trở nên chủ động
Một ngày nọ, Vũ H.(Bình Dương), một khách hàng của tôi, đã đến gặp và thông báo rằng anh ấy đã bắt đầu uống thuốc HIV hai tuần trước mà không gặp vấn đề gì. Khi được hỏi về loại thuốc mà anh ta đang dùng, Vũ H. trả lời rằng anh ấy không biết gì - anh ta chỉ uống những gì bác sĩ bảo anh ta uống.
Sống lành mạnh và tích cực với HIV đòi hỏi chúng ta cần phải trở nên chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của chính mình. Mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các phòng khám ngoại trú nên được hợp tác và quá trình ra quyết định y tế nên tương tác. Điều quan trọng là phải có sự hiểu biết về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, tác dụng phụ tiềm ẩn của chúng và bất kỳ tương tác thuốc-thuốc nào (bao gồm cả “thuốc giải trí” - ma túy tổng hợp). Đừng thụ động về các quyết định ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
7. Duy trì hệ thống hỗ trợ lành mạnh
Chỉ dùng thuốc là không đủ để sống một cuộc sống lành mạnh với HIV. Điều cần thiết là có một hệ thống hỗ trợ được phát triển bổ sung cho các can thiệp y tế. Kết nối với những người khác ở nhiều mức độ thân mật khác nhau, bao gồm vợ/chồng hoặc bạn đời, gia đình, bạn bè và cộng đồng, là điều quan trọng để giúp bạn vượt qua những cảm xúc tiêu cực, sự thất vọng mà người nhiễm HIV gặp phải.