Những cánh tay nối dài giúp cộng đồng phòng, chống HIV ở Thái Nguyên

19/08/2020 15:55

Tỉnh Thái Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2020 đã phát hiện 203 ca nhiễm mới, riêng các nhóm cộng đồng đã phát hiện và hướng dẫn tiếp cận điều trị được 77 ca, chiếm tỷ lệ gần 38%.

 Nhóm cộng đồng tư vấn phòng chống HIV cho người nguy cơ cao tại Thái Nguyên. Ảnh: Thùy Chi

Để đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, Thái Nguyên đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án về phát hiện, dự phòng và điều trị HIV/AIDS, trong đó có việc nâng cao hiệu quả của những nhóm cộng đồng trong việc lan tỏa thông điệp, chia sẻ, động viên những người cùng chung hoàn cảnh, phối hợp cùng ngành y tế phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ ngoài cộng đồng.

Trong thời gian qua, Thái Nguyên cùng với các địa phương khác trong cả nước đã tập trung nhiều giải pháp ngăn chặn sự gia tăng lây nhiễm HIV và giảm thiểu tác động của dịch HIV/AIDS. Dù đã giảm dần trong những năm gần đây nhưng tỉnh vẫn nằm trong những tỉnh trọng điểm của dịch HIV, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Với sự tiến bộ của khoa học, liệu pháp điều trị kháng virus (ARV) đã đem lại hy vọng cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người nhiễm HIV, đồng thời làm thay đổi cục diện công cuộc phòng chống HIV.

Theo số liệu thống kê, số người nhiễm HIV còn sống là 6.800. Số người nhiễm HIV được quản lý là 5.334. Hiện có 3.893 trường hợp được điều trị ARV. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong độ tuổi 25-49 là 83%. Tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu hiện là 63%, nhưng đã có xu hướng giảm dần, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục có xu hướng tăng.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho rằng: HIV tiếp tục là vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng trên phạm vi toàn cầu. Trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS tại Thái Nguyên tuy đang giảm dần nhưng Thái Nguyên vẫn nằm trong nhũng tỉnh trọng điểm của dịch HIV, tiềm ẩn nhiều nguy cơ số người nhiễm HIV tăng trở lại. Vì vậy, Thái Nguyên vẫn chú trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19.

Để đạt được những kết quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, không thể không kể đến công sức của các nhóm hoạt động vì cộng đồng. Điển hình như nhóm Chân trời mới. Hơn 10 năm sống chung với HIV - không buông xuôi cuộc sống, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ cán bộ y tế, cuộc sống và sức khỏe của người đàn ông thành lập nhóm Chân trời mới vẫn ổn định.

Nhóm cộng đồng Chân trời mới đã chia sẻ, động viên và giúp đỡ những thành viên có HIV. Trưởng nhóm chia sẻ: "Nhóm cộng đồng có lợi ích đó là bản thân là người trong cuộc, là người bị tổn thương và nhiễm HIV, nên khi đem tiếng nói của mình đến các bạn sẽ dễ hơn".

Cũng giống như tên gọi được những thành viên của nhóm đặt khi nhóm được thành lập năm 2015, Thành Công - là khát khao và động lực của những người tưởng như đã rơi vào tuyệt vọng. Hơn 10 thành viên nòng cốt và hàng chục thành viên khác của nhóm đã nghị lực vượt lên hoàn cảnh để sống có ích cho cộng đồng và giúp đỡ nhiều người khác có cùng hoàn cảnh.

Một thành viên trong nhóm Thành Công chia sẻ: "Tôi chỉ mong muốn cộng đồng hiểu được sự lây lan của HIV và hạn chế tối đa mức độ lây lan của HIV; mong muốn những người sử dụng ma túy, những người có nguy cơ cao hiểu được tác hại của ma túy, sự lây lan của HIV để có những cách phòng tránh cho bản thân và mọi người".

Không chỉ thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các nhóm cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tập huấn nâng cao năng lực để nhóm cộng đồng thật sự là những cánh tay nối dài giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, chia sẻ, động viên và thực hiện các mục tiêu trong nỗ lực chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030.
}
Top