Những giải pháp thiết thực để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm HIV

27/11/2018 15:31

Mặc dù, đến nay người dân đã biết đến HIV/AIDS nhiều hơn nhưng sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn tồn tại trong cộng đồng.

Tuyên truyền phòng, chống phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, đã hơn 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động ... đã được pháp luật các quốc gia quy định.

Tháng 6/2011, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trên thế giới họp tại Hoa Kỳ đã cam kết một mục tiêu có tính tầm nhìn “Ba không” tức là hướng tới không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đây là những mục tiêu đầy thách thức.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho hay, ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, do bản chất của bệnh: Vì kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, khó chữa. Trước đây người dân rất sợ và tránh xa những người mắc bệnh phong cùi, bệnh lao, bệnh hoa liễu... và HIV/AIDS cũng là bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV nghĩa là đã bị tuyên án tử hình.

Thứ hai, do đường lây nhiễm chủ yếu liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật. HIV lây qua đường tình dục vốn bị kỳ thị như các bệnh hoa liễu (bệnh lậu, giang mai), bị xã hội định kiến là những người có quan hệ tình dục bừa bãi. HIV lây qua đường máu, chủ yếu do sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy. Đó là những người chịu sự kỳ thị kép.

Thứ ba, do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS: Nhiều người vẫn cho rằng: HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường; HIV có thể tồn tại lâu trong môi trường…

Thứ tư, do truyền thông không đầy đủ hoặc không phù hợp trong thời gian dài: Truyền thông quá nhấn mạnh chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Chúng ta cũng thường hù dọa bằng hình ảnh chết chóc, đầu lâu xương chéo, hình ảnh những người lở loét toàn thân, gầy dơ xương vv... tạo sự sợ hãi trong cộng đồng.

Cần các giải pháp truyền thông phù hợp

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long khẳng định, việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS là việc làm cần thiết và rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.

Để làm được điều này, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Đó là, chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây; chuyển từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường. Giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế - xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.

Từ đó, phương pháp truyền thông sẽ được đổi mới với những công việc cụ thể như rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung hù dọa hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội. Biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử.

Đồng thời, đa dạng hóa các phương pháp truyền thông. Lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV và tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc …

Tăng cường đưa tin, quảng bá các hoạt động tích cực của người nhiễm HIV/AIDS, sự đóng góp của họ đối với cộng đồng và gia đình. Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV/AIDS...

“Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những con đường dẫn tới lây nhiễm HIV/AIDS, mà còn chỉ ra những việc làm, những hành vi an toàn khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi ấy, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV cũng như  những người bệnh khác mà không phụ thuộc vào hành vi nào đã dẫn đến sự lây nhiễm HIV của họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng được sự sợ hãi và tìm ra được những giải pháp có hiệu quả để đối phó với căn bệnh thế kỷ này” PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nói.

}
Top