Những phận đời éo le…

08/09/2018 14:34

Họ là những người họ hàng, thậm chí là cha con. Nhưng khi rơi vào tình cảnh éo le, mất kiểm soát, những người chung tình thân lại xuống tay với nhau để rồi phải day dứt…

1. Sớm 6/9, trong cái nóng oi nồng, Nguyễn Tiến Hương, SN 1966, trú ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội, được dẫn giải tới tòa. Nom bị cáo già nua so với tuổi 52. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt Hương nặng trĩu. Tỉnh rượu, thoát khỏi cơn say, biết mình đã hại chết chính người họ hàng, Hương đã “vò đầu bứt tai”. HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội không mất quá nhiều thời gian thẩm vấn bởi Hương thành khẩn.

Cất giọng ngậm ngùi, Hương thừa nhận, tối 23/1, bị cáo tới nhà ông Nguyễn Văn Phú, họ hàng, để ăn giỗ. “Chén chú chén anh”, anh ta có biểu hiện say rượu nên mọi người khuyên về. Hương rời đi nhưng sau đó lại trở về nhà ông Phú tiếp tục uống. Anh ta đã lời qua tiếng lại với những vị khách tại đó. Anh Nguyễn Hữu Toàn, SN 1982 cùng một số người đã đẩy Hương ra khỏi nhà ông Phú.

Khi giằng co, Hương bị anh Toàn đấm. Bị đuổi lần thứ hai, Hương tức tối nên về nhà lấy dao, giấu sau người rồi quay lại nhà ông Phú. Đến cổng nhà ông Phú, Hương hét to: “Thằng nào đuổi tao”. Do đó, anh Toàn vớ chiếc ghế bằng kim loại chạy ra dọa đánh. Tức thì, Hương đâm dao vào ngực trái người họ hàng.

Gây án xong, đối tượng cầm dao đi về nhà và đến 21g30 cùng ngày, anh ta ra CQCA đầu thú. Về phía anh Toàn, mặc dù được đưa ngay tới BV cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Trước tòa, Hương tỏ rõ sự ăn năn. “Tôi say rượu, không làm chủ được hành vi. Tôi mang dao đến mục đích chỉ để đe dọa mọi người…” - bị cáo nói mà mắt đỏ hoe. Quá trình tòa làm việc, Hương liên tục quay xuống phía dưới phòng xử án, nơi mà người thân và những người họ hàng của bị cáo và cả bị hại đang ngồi dự, nói lời xin lỗi.

Mẹ của nạn nhân khước từ thành ý của bị cáo. Bà chia sẻ rằng, sau sự việc 50 ngày, rồi 100 ngày nhưng gia đình Hương không đến thắp hương thăm hỏi; gặp bà ở ngoài đường cũng không chào. Điều đó khiến bà không thể tha thứ cho Hương. Gia đình bị hại đề nghị tòa xử bị cáo mức án thật nặng để răn đe.

Nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, được HĐXX cho phép, Hương quay xuống, một lần nữa chắp tay cầu mong được lượng thứ. Nhận án tù chung thân về tội “Giết người”, Hương rầu rĩ rời bước khỏi phòng xử án.

Bị cáo Hương quay xuống tạ tội với gia đình bị hại

2. Một ngày trước, cũng tại phòng xử đó, Nguyễn Bá Mắn, SN 1946, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, là người phải hầu tòa. Ông lão gày gò, nặng tai, khuôn mặt hốc hác tỏ ra lúng túng trước tòa. Hình ảnh ấy khiến nhiều người thấy thương hơn trách bị cáo. Mắn bị xét xử về tội “Giết người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” và trớ trêu thay, bị hại trong vụ án lại chính là con trai của ông lão, Nguyễn Bá Lực, SN 1971.

Như lời của vị đại diện VKSND, tối 15/9/2017, vợ chồng Nguyễn Bá Mắn và bà Nguyễn Thị Định đang ở nhà thì Lực về nhà trong tình trạng say rượu và vừa sử dụng ma túy. Lực đã hỗn hào, bắt mẹ sang nhà một người cùng thôn để chửi nhau vì cho rằng người phụ nữ kia đã nói xấu anh ta. Bà Định không thuận theo thì Mắn đánh vào hai bên tai.

“Sao mày dám đánh mẹ mày” - Mắn quát, Lực quay sang chửi bới, đánh bố. Lực xuống tay với bố mình, bà Định can ngăn thì tiếp tục bị đánh. Gã con trai liên tục tấn công bố mẹ. Anh ta còn cầm hai chân dốc ngược bố xuống đất. Chưa hả, nghịch tử còn vào bếp lấy đoạn gậy tre đánh vợ chồng Mắn.

Trong lúc giằng co chống đỡ, Lực bị ngã và Mắn vớ được đoạn gậy tre. Bị cáo đã dùng gậy vụt nhiều nhát vào vùng gáy Lực khiến anh ta ngất lịm. Bà Định vội hô hào mọi người đưa con trai đi cấp cứu thì nạn nhân đã tử vong.

HĐXX nhận định, bị cáo phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nên tuyên Mắn 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Mức án này khiến bà Định vơi bớt nỗi lo. Giờ, nhà chỉ có đôi vợ chồng già rau cháo nuôi đứa con của Lực.

Bất lực vì không dạy được con, Mắn và bà Định nhiều phen “sống dở chết dở” với thói hư, tật xấu của anh ta. “Ai mà không thương xót con. Nhưng chúng tôi lại sinh ra một thằng nghịch tử và giờ lại mang tiếng giết nó. Nỗi đau này quá lớn” - bà Định nghẹn ngào.

Nhiều năm qua, không dạy nổi Lực, ông bà đã phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp giúp nhưng anh ta vẫn “chứng nào tật nấy”. Lực từng trả án 7 năm và Mắn phải gom góp tiền đi thăm nuôi. Thấy Lực hứa hẹn sẽ làm lại cuộc đời sau lần vấp ngã ấy, nhưng đó chỉ là lời hứa suông. Thất nghiệp, Lực thường xuyên say xỉn, thậm chí nghiện ngập rồi trút trận đòn vô cớ lên bố mẹ. Vụ án này như “giọt nước tràn ly” cho chuỗi ngày Lực đầy ải bố mẹ.

Bị cáo Mắn nặng tai nên khó khăn khi dự tòa

Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7/2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm. Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho thấy, bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%.

Nguyên nhân bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà những người trong gia đình mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... Ðây là nhóm nguyên nhân được nhiều người đồng thuận nhất, bởi ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng, bố mẹ và con cái lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn gay gắt và khi đó, bạo hành đối với người thân là khó tránh khỏi.

Ðiều đáng quan tâm nữa là một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ xấu hổ và không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Là luật sư bào chữa cho Mắn, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, từng tham gia nhiều vụ án mà bị cáo và bị hại có quan hệ huyết thống, luật sư thấy giữa họ đều có điểm chung là hoàn cảnh éo le. Ông Thơm chỉ ra nguyên nhân gây án thường do mâu thuẫn âm ỉ kéo dài, không giải quyết được.

Vì thế, luật sư có lời khuyên rằng, khi nảy sinh bất hòa, cần có cách giải quyết triệt để; không thể để tích tụ sự bực tức. Người trong gia đình càng cần giữ không khí ôn hòa, chờ thời gian thích hợp mới góp ý chứ không nên đôi co nhất là với người say xỉn. Có như vậy mới giữ yên nếp nhà, tránh những vụ án đau lòng tương tự như trên.

}
Top