Những quy định về phá thai trên thế giới
Phá thai vẫn là một chủ đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dù tại nhiều nơi như Mỹ, Anh, Canada... chính phủ đã hợp pháp hóa quyền nạo phá thai cho phụ nữ, nhưng mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về quyền này.
Người dân Ireland vận động về việc có nên bãi bỏ bản sửa đổi thứ 8 của Hiến pháp và chấm dứt lệnh cấm phá thai |
Hàn Quốc cấm phá thai trừ khi người phụ nữ bị cưỡng hiếp, hoặc gặp vấn đề sức khỏe không thể tiếp tục mang thai. Nếu phá thai không tuân theo luật định, sản phụ có thể bị phạt đến 2 triệu won (~42 triệu đồng), còn bác sĩ thực hiện có thể ngồi tù đến 2 năm.
Tuy vậy, vào mùa thu năm 2017, đã có hơn 230 nghìn người kiến nghị lên Nhà Xanh, kêu gọi cho phụ nữ quyền được phá thai. Trên thực tế, dù có lệnh cấm nhưng nhiều người Hàn vẫn quyết định phá thai vì nhiều lí do khác nhau, và họ vấp phải vấn đề tâm lí nặng nề, nhất là những sản phụ trẻ tuổi khi đứng trước luật định nghiêm khắc cũng như định kiến của xã hội.
Singapore hợp pháp việc phá thai, tuy nhiên, sản phụ chỉ được phá thai khi thai nhi dưới 24 tuần tuổi (tức 6 tháng đầu thai kỳ). Có một số ngoại lệ như việc mang thai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý hoặc tâm lý của người mẹ.
Ở Trung Quốc, việc nạo phá thai gần như được thực hiện tự do và không có giới hạn về độ tuổi thai kỳ. Chính phủ nước này chỉ nghiêm cấm mọi hành phá thai liên quan tới giới tính đứa trẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đạo luật mỗi gia đình chỉ nên có một con đã khiến tỉ lệ phá thai tại Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, với hầu hết số thai nhi bị bỏ mang giới tính nữ.
Hiến pháp Ireland từ năm 1983 quy định cấm phá thai, vì vậy người dân phải đến Anh hay các nước châu Âu khác để thực hiện việc này.
Tuy nhiên từ ngày 25/5/2018, trong một cuộc trưng cầu ý dân quy mô lớn, Ireland đã bãi bỏ luật cấm phá thai. Thủ tướng nước này cho rằng đó là "một cuộc cách mạng thầm lặng", một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh đòi quyền quyết định nhiều hơn cho phụ nữ.
Trong những năm 1870, Canada cũng cấm phá thai do có quá nhiều sản phụ tử vong. Nhưng đến những năm 1960, phong trào đòi quyền được nạo phá thai đã dấy lên, khiến chính phủ cho phép thực hiện điều này nếu thai nhi gây ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
Nhiều năm sau, quyền được phá thai (nhưng bị các điều luật hạn chế, ràng buộc) đã dẫn đến một số bác sĩ tự ý mở phòng khám chuyên phá thai. Làn sóng phản đối một lần nữa bùng phát. Đến năm 1988, Canada cho phép sản phụ được nạo phá thai ở mọi giai đoạn thai kỳ.
Đây là quyết định được người dân ủng hộ. Và đến giờ, Canada vẫn là 1 trong số ít các nước hầu như không có quy định cấm về phá thai. Ngược lại, hành vi ngăn cản phụ nữ đến phòng khám chuyên khoa để thực hiện phá thai mới là vi phạm pháp luật.
Tại Mỹ, có đến 43 trong số 50 bang cấm phá thai, trừ khi việc mang thai ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
Một số bang áp dụng thời gian chờ 24 tiếng trước khi bác sĩ thực hiện thủ thuật (để sản phụ có thời gian suy nghĩ lại), buộc người mẹ phải cung cấp trước thông tin về sự phát triển của thai, chỉ được phá bỏ trong giai đoạn thai kỳ nhất định, hay nếu người phá thai là trẻ vị thành niên thì phải có phụ huynh đi kèm.
Ở Anh, phá thai đã được hợp pháp hóa kể từ khi đạo luật năm 1967 có hiệu lực. Theo Đạo luật này, phụ nữ được phép phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai cũng không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý của hai bác sĩ.
Người phụ nữ Bỉ từng tham gia biểu tình giơ tấm bảng khẩu hiệu: "Nạo phá thai là quyền tự do lựa chọn của phụ nữ!"
Ở Bỉ, các quy định chính về nạo phá thai được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự, theo đó luật pháp Bỉ cho phép thai phụ phá thai khi họ cảm thấy “căng thẳng” với quá trình mang thai, nghĩa là khi thai phụ cảm thấy chưa sẵn sàng để có con. Việc phá thai là hợp pháp khi thai từ 12 tuần tuổi trở xuống và phải được bác sĩ chuyên khoa thực hiện.
Đan Mạch lại có khá nhiều ngoại lệ cho việc phá thai khi thai nhi đã phát triển lớn hơn số tuổi cho phép. Chẳng hạn, bên cạnh nguyên nhân sức khỏe, Đan Mạch còn cho phép phá thai lớn hơn 12 tuần tuổi khi việc mang thai là hệ quả của hành vi phạm tội tình dục như hiếp dâm, loạn luân; người mẹ không đủ khả năng về thể chất hay trí tuệ để chăm sóc cho con; người mẹ không đủ khả năng chăm sóc cho con vì còn quá nhỏ hay việc mang thai, sinh con và chăm sóc cho đứa trẻ sẽ tạo thành gánh nặng và trở ngại nghiêm trọng không thể tránh được cho người mẹ trong việc chăm lo cho gia đình.