Những thực phẩm bệnh nhân lao nên bổ sung để nhanh bình phục
(Chinhphu.vn) - Ngoài việc dùng thuốc theo phác đồ, người bệnh lao cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng và chóng bình phục.
Ảnh minh họa |
Bệnh lao là một loại bệnh truyền nhiễm được gây nên bởi vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis. Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể như phổi, não, xương khớp, ruột… Trong đó bệnh lao phổi là phổ biến nhất với tỉ lệ ghi nhận lên đến 80% - 85% và là nguồn lây bệnh cho những người xung quanh.
Bệnh nhân lao phổi mức độ nặng có khả năng lây lan cao khi bệnh nhân ho, hắt hơi… Những người xung quanh vô tình hít phải không khí có chứa trực khuẩn lao sẽ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, không phải tất cả những ai hít phải trực khuẩn lao đều bị bệnh mà sẽ do hệ miễn dịch tác động ngăn chặn không cho vi khuẩn phát triển, sinh sôi. Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, không có khả năng kháng khuẩn sẽ có nguy cơ phát triển thành bệnh lao.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân lao phổi dễ chán ăn do những tác động của bệnh tật và thuốc chữa bệnh. Do đó, những người mắc bệnh lao phổi cần đặc biệt chú trọng bảo đảm các nguyên tắc dinh dưỡng.
Cụ thể, thức ăn trong bữa ăn của người bệnh lao cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Đường, đạm, dầu mỡ vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, ưu tiên cung cấp lượng đường có trong hoa quả để thải độc gan, hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Các món ăn cho người bệnh lao phổi cần đa dạng để dễ hấp thu, đầy đủ dưỡng chất, tạo sự kích thích ăn uống bởi người bệnh dễ chán ăn do tác dụng phụ của thuốc điều trị lao phổi. Nên chia nhỏ bữa ăn hằng ngày để người bệnh hấp thu tốt và đầy đủ hơn các chất dinh dưỡng cần thiết.
Dinh dưỡng của người bệnh lao phổi cũng cần được tham khảo sự tư vấn của bác sĩ điều trị trực tiếp bởi chính bác sĩ là người nắm rõ tình trạng bệnh nhất và có những lời khuyên xác thực nhất cho ăn uống kết hợp điều trị bệnh hiệu quả.
Bệnh nhân lao cũng nên sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin A, E, C. Các loại rau lá tươi có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng đỏ như cam, xoài, đu đủ, cà chua, cà rốt chứa nhiều vitamin A, C; gan gia súc vật và gia cầm, thịt đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò, cá biển... nhằm tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn, chống ôxy hóa.
Bên cạnh đó, thực phẩm giàu vitamin K, B6 cũng rất quan trọng. Do người bệnh hấp thu kém, dễ gặp rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K giảm, gây trở ngại quá trình đông máu. Vì vậy, cần ăn thực phẩm giàu vitamin K, B6. Các vitamin này có nhiều trong thực phẩm như gan, các loại rau màu xanh đậm.
Dùng thuốc điều trị lao thường phải dùng kéo dài (vài tháng) theo phác đồ chống lao, các thuốc này lại làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B6 dễ gây viêm dây thần kinh ngoại biên, giảm miễn dịch, do người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin này như thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt…
Đối với bệnh nhân lao, việc bổ sung các thực phẩm giàu kẽm là rất cần thiết. Do cơ chế hoạt động của các loại thuốc điều trị lao đã gây nên tình trạng thiếu hụt kẽm ở người bệnh dẫn đến chán ăn, suy giảm hệ miễn dịch. Người bệnh nên chọn thực phẩm giàu kẽm như sò, hến, hàu, cùi dừa già, đậu Hà Lan, đậu tương, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc... để bổ sung kẽm, tăng cường hệ miễn dịch.
Nhóm thực phẩm cuối cùng những bệnh nhân lao cần lưu ý bổ sung đó là các thực phẩm giàu sắt. Nguy cơ thiếu máu do sắt ở người bệnh lao rất cao làm giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tim mạch... Người bệnh cần ăn những thực phẩm giàu sắt như: Mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng, thịt bò, thịt nạc, gan...
Một số điều cần lưu ý
Người bệnh cần kiêng ăn các đồ cay nóng, tuyệt đối không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, hạn chế thức ăn nhiều mỡ, các thức ăn chế biến sẵn. Điều này hạn chế tình trạng ho, sốt kéo dài, ra mồ hôi trộm, rối loạn thần kinh… Đồng thời, cần chú ý vệ sinh sạch sẽ môi trường sống. Bệnh nhân không được khạc nhổ bừa bãi để tránh sự lây lan của trực khuẩn lao.
Việc điều chỉnh tỉ lệ các nhóm dinh dưỡng cần phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Đối với giai đoạn cấp, cần chú ý cho bệnh nhân ăn các thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. Duy trì lượng nước 2 – 3l/ngày. Đối với giai đoạn phục hồi, cần chú ý tăng tỉ lệ chất đạm, vitamin và chất xơ .
Xã hội càng phát triển thì dinh dưỡng ngày càng khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc điều trị bệnh. Cung cấp đúng, đủ chất dinh dưỡng cho các bệnh nhân nói chung và bệnh nhân lao phổi nói riêng là một việc làm rất cần thiết. Việc này góp phần tăng tốc độ lành và phục hồi tổn thương của bệnh.
Thực đơn tham khảo cho bệnh nhân lao phổi trong một ngày:
Bữa sáng nên dùng những món ăn nhẹ, dễ ăn như cháo, phở, miến, mì, chút hoa quả mềm, thịt, trứng. Bên cạnh đó, bạn có thể bù nước và muối khoáng nhanh chóng cho cơ thể bằng việc uống thêm nước dừa.
Bữa trưa cần bổ sung vào thực đơn nhiều rau xanh, tăng các món mặn chứa nhiều protein như thịt gà, vịt, heo.
Bữa chiều nên ăn các thực phẩm tốt cho cơ thể và có tác dụng đào thải độc tố nhanh chóng như cá, đậu phụ, cà chua….
Trà My