Niềm vui Tết đến từ "ngôi nhà ấm áp thứ hai"

21/01/2020 17:37

Những cán bộ ở đây được học viên gọi một từ rất thân thương là “thầy nghiện”. Là “thầy”, đồng thời cũng là người bạn, người thân, những cán bộ ở cơ sở đã cùng đồng hành để hỗ trợ, giúp đỡ học viên thoát khỏi ma túy. Một cái Tết ấm cúng có bánh chưng, có cành đào, có cả tấm lòng tận tâm của tập thể cán bộ dành cho mỗi học viên.

Ông Vũ Thành Phương - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương trao quà Tết cho học viên

Ngày 16/10/2019 vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương và Trung tâm Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã sáp nhập làm một, lấy tên là Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương theo Quyết định 3592/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hải Dương. Vậy nên, có thể nói, Tết Canh Tý 2020 này là cái Tết vô cùng đặc biệt với Cơ sở - Tết đầu tiên sau khi được thành lập, cũng như khắp mọi nơi trên cả nước, nơi đây cũng đang ngập tràn không khí tưng bừng chuẩn bị chào đón năm mới.

Tết ở “gia đình thứ 2”

Ông Vũ Thành Phương - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là xây dựng cơ sở trở thành “Ngôi nhà thứ hai” của học viên, nơi mà mỗi cán bộ cơ sở là người thân mà học viên tin tưởng, tìm đến khi cần chia sẻ, tâm sự, giúp đỡ vượt qua cám dỗ của ma túy. Vì vậy, những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán này, chúng tôi cố gắng hết sức có thể để học viên được đón một cái Tết đầy đủ, đặc biệt là giúp học viên cảm nhận được không khí đầm ấm, sum họp, không khí “gia đình” dù không được ăn Tết ở nhà”.

Cũng như bao gia đình trên khắp đất nước Việt Nam này, ngày Tết đến xuân về, cơ sở cũng có các hoạt động “truyền thống” như: dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thịt lợn, gói bánh trưng, chuẩn bị ban thờ, mâm cỗ tất niên… Cả cơ sở là gia đình lớn, mỗi lớp, mỗi trại đội lại là một “gia đình nhỏ” trong “đại gia đình” lớn ấy. Trước Tết 1 tháng, Chủ nhiệm phụ trách lớp cùng học viên mỗi lớp đã xây dựng cho mình kế hoạch “ăn Tết” phù hợp với tình hình riêng của từng lớp, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng nội quy, quy chế của đơn vị.

Các lớp đều phải lập bảng thi trên, mua sắm Tết trên cơ sở nhu cầu của học viên, tình hình tài chính của lớp. Tài chính của các lớp có được từ nhiều nguồn như: Hỗ trợ của gia đình thông qua việc gửi lưu ký, hỗ trợ của UBND tỉnh, thu nhập của học viên từ hoạt động lao động trị liệu. Việc chi tiêu cần bảo đảm vừa đủ, không lãng phí, phù hợp với tập thể chung của cả lớp, vừa phù hợp với từng cá nhân học viên, làm sao để tất cả học viên đều cảm thấy được quan tâm, cả lớp là một tập thể đoàn kết “mọi người vì một người, một người vì mọi người”.

Trang trí phòng học viên để đón Tết

Học viên A tâm sự: “Do tuổi cao, sức khỏe răng miệng không tốt nên không ăn được đồ rắn, cứng. Khi chuẩn bị đồ ăn Tết, cán bộ lớp và anh em cùng lớp đã quan tâm hỏi tôi có thể ăn hoa quả, bánh kẹo, thực phẩm gì để mua riêng cho tôi một phần. Nhiều tuổi mà vẫn vướng vào nghiện ngập, không được đón Tết cùng con cháu, tôi vừa buồn vừa hối hận. Nay được cán bộ và anh em trong lớp quan tâm, tôi thấy được an ủi, đỡ buồn đi nhiều”.

Từ ngày 20 tháng chạp âm lịch, cơ sở bắt đầu tổ chức cho học viên dọn dẹp vệ sinh khu vực sinh hoạt, trang trí khu nhà ở. Bắt đầu từ 23 tháng Chạp, học viên từng lớp tập trung cùng nhau gói bánh trưng, thịt gà, lợn… chuẩn bị đón Tết. Tuy không có bàn thờ, các lớp vẫn làm mâm ngũ quả, mâm cỗ cúng gia tiên vào chiều 30 như một gia đình.

Chị Thoa, Trưởng phòng tổng hợp cho biết: “Khi lên thực đơn 7 ngày Tết cho học viên, tiêu chí mà chúng tôi đặt ra là phải mang đến hương vị Tết, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, dựa trên cơ sở nhu cầu của học viên thông qua bảng đăng ký sắm Tết của các lớp để học viên được đón một cái Tết đầy đủ nhất có thể”.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, cơ sở cũng đặc biệt quan tâm xây dựng, tổ chức hoạt động thể dục thể thao, giao lưu, vui chơi giải trí cho học viên, đặc biệt trong dịp lễ Tết xuân về này. Từ ngày 9 đến ngày 17/1/2020, cơ sở tổ chức giải bóng đá chào xuân Canh Tý cho học viên. Giải gồm 4 đội tương ứng với 4 trại đội hiện có của cơ sở. Nhiều hoạt động truyền thống dịp Tết ở cơ sở cũ như: Thi trang trí mâm ngũ quả, trang trí nội vụ, chúc Tết đến giao thừa, tặng quà cho học viên có hoàn cảnh khó khăn… tiếp tục được duy trì trong dịp Tết năm nay.

Em H, một học viên trẻ tuổi tâm sự: “Mọi năm vào dịp Tết, em chủ yếu dành thời gian để gặp gỡ, tụ tập đi chơi cùng bạn bè nên không để ý bố mẹ chuẩn bị đón Tết như thế nào. Lần đầu tiên ăn Tết xa gia đình lại là lần đầu tiên em biết để có một cái Tết cần chuẩn bị nhiều thứ như thế và tự tay tham gia chuẩn bị Tết mang đến cảm giác háo hức, hồi hộp, vui vẻ như vậy. Tuy không ở cùng gia đình nhưng anh em trong lớp giúp em cảm nhận được “không khí gia đình sum vầy ngày Tết mà lâu rồi em đánh mất. Em rất hối hận vì đã thờ ơ với gia đình, với bố mẹ. Những Tết sau, em sẽ cố gắng để được ở bên gia đình, cùng phụ giúp, quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn”.

Các học viên cùng nhau gói bánh chưng

“Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” và nỗi lòng người “Thầy nghiện” dịp Tết đến xuân về

Ông Vũ Thành Phương - Giám Đốc Cơ sở cho biết: “Học viên cai nghiện ma túy có nhiều người là đối tượng xã hội phức tạp, thậm chí nguy hiểm với diễn biến tâm lý không ổn định. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị cho học viên đón một cái Tết đầy đủ, ấm áp, cơ sở vẫn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị nhiều phương án để bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở “trong những ngày Tết”. Theo chia sẻ của cán bộ cơ sở, học viên ở đây, khi đã sử dụng ma túy thì đa phần đã bị lệch lạc về suy nghĩ, quan điểm sống hoặc có lối sống thiếu lành mạnh, thậm chí có thể “sa đọa”. Vì vậy, dù có đồng cảm, quý mến học viên đến đâu, người cán bộ cũng phải giữ vững nguyên tắc làm việc đầu tiên là “Kỷ cương”. Mọi hành động lời nói của cán bộ phải “chuẩn chỉ”, đúng nguyên tắc và yêu cầu học viên luôn luôn thực hiện mọi sinh hoạt, nền nếp theo đúng nội quy, quy chế. Đây cũng là bài học đầu tiên mà những “người thầy” ở đây muốn truyền đạt đến “học trò” của mình “muốn chiến thắng ma túy phải chiến thắng bản năng, cái “Tôi” của mình trong những việc nhỏ hằng ngày, phải sống cho phù hợp với “khuôn khổ” của tập thể, rộng hơn là cộng đồng. Cơ sở tạo mọi điều kiện để học viên đón Tết vui vẻ, đầy đủ nhưng phải bảo đảm nguyên tắc đúng theo nôi quy quy chế”.

Những cán bộ ở đây được học viên gọi một từ rất thân thương là “thầy nghiện”. Là “thầy”, đồng thời cũng là người bạn, người thân, những cán bộ ở cơ sở đã cùng đồng hành để hỗ trợ, giúp đỡ học viên thoát khỏi ma túy. Tâm lý các học viên, ai cũng mong muốn được đoàn tụ, sum họp cùng gia đình, nhưng vì hoàn cảnh phải ở lại cơ sở ăn Tết chắc chắn không thể tránh được cảm xúc buồn bã, cô đơn, chán nản. Vì thế, bên cạnh việc xây dựng các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt tập thể để học viên xua đi cảm giác buồn bã, vui vẻ ở lại ăn Tết, cán bộ cơ sở còn phải quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tâm lý của từng học viên, kịp thời tư vấn, chia sẻ, động viên, đặc biệt quan tâm đến những học viên trẻ tuổi, học viên lần đầu ăn Tết tại cơ sở.

Do đặc thù đơn vị, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương luôn có cán bộ trực 24/24h, không kể ngày đêm, lễ Tết. Vì vậy, cán bộ ở đây có trách nhiệm luân phiên, bảo đảm an ninh trật tự, càng vào những dịp lễ Tết, trách nhiệm, yêu cầu công việc lại càng nặng nề.

Mổ lợn để ăn Tết - không khí ở cơ sở cai nghiện cũng giống như ở nhà

Hầu như cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ nam, từ khi bắt đầu làm việc tại cơ sở (tính từ trước khi sáp nhập) đều chưa từng được “ăn” một cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Hiện nay, đa phần cán bộ cơ sở phải trực trách nhiệm một nửa thời gian nghỉ Tết của mình, kể cả Tết. Như vậy, mỗi cán bộ chỉ được nghỉ 3,5 ngày trên tổng số 7 ngày nghỉ Tết.

Đồng chí Nam, cán bộ cơ sở chia sẻ: “Ngày Tết, ai cũng muốn được sum vầy bên gia đình, người thân. Đó là những giây phút ý nghĩa. Nhưng vì công việc, anh em ở đây động viên nhau, sẵn sàng tinh thần trực Tết. Tôi nhớ mãi ánh mắt lưu luyến của con nhìn theo khi những ngày Tết mình đi làm. Nhưng chính vì lý tưởng “sinh nghề tử nghiệp”, giúp những mảnh đời làm lại cuộc đời nên những người ở cơ sở không nề hà bất cứ việc gì. Giúp học viên cai nghiện thành công, họ có cuộc sống ổn định, cũng là hạnh phúc cho chính họ, cũng là hạnh phúc của chính mình”.

Ông Vũ Thành Phương - Giám đốc Cơ sở chia sẻ: “Hiện nay, cán bộ cơ sở phải thực hiện trực trách nhiệm, việc trực này chưa được hưởng đãi ngộ nào dù yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề. Những ngày lễ, Tết dù trực 24/24h, nhưng cán bộ chỉ được hưởng 8/24h. Ban lãnh đạo cơ sở đã trăn trở vấn đề này từ lâu nhưng do điều kiện có hạn nên chưa thể hỗ trợ được cho anh em. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo để đời sống của các cán bộ ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương nói riêng và cán bộ các cơ sở cai nghiện khác trên toàn quốc nói chung được bảo đảm. nâng cao hơn nữa”.

Để cuộc chiến chống ma túy ngày càng mạnh mẽ, chúng ta rất cần sự chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng với người học viên cai nghiện ma túy và cả những “người thầy” hết lòng, tận tâm của họ.

Bài và ảnh: Đinh Thu Thảo

}
Top