Ninh Bình: Tích cực điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

02/11/2018 14:20

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể, với tỷ lệ chỉ còn 2-6%. Do vậy, việc dự phòng có vai trò quan trọng và là giải pháp góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh minh họa

Hai vợ chồng anh Đinh Văn M. và chị Nguyễn Thị H. thôn Yên Trạch, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) không may mắc HIV gần chục năm nay. Tưởng như cuộc đời khép lại với anh chị khi mong muốn có con mà không biết con có lây bệnh từ cha mẹ. Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của các y, bác sỹ, anh chị M. quyết tâm sinh con. Trong quá trình mang thai, chị H. nghiêm túc thực hiện phác đồ điều trị về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhờ tuân thủ tốt việc điều trị ARV và nuôi con bằng sữa mẹ thay thế, anh chị vui mừng khi 2 con chào đời cách nhau 5 năm khỏe mạnh, có cuộc sống bình thường, được đi học như bao đứa trẻ khác.

Đối với chị Trần Thị Th, xã Ân Hòa (huyện Kim Sơn) cũng là một người nhiễm HIV. Chị tìm hiểu được biết, tỷ lệ lây truyền bệnh từ mẹ sang con rất thấp nếu được điều trị dự phòng nên chị Th. đã thực hiện nghiêm theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Theo đó, chị Th. được tiến hành kiểm tra CD4 xem có đủ điều kiện mang thai hay không. Hàng tháng, chị được bác sỹ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn dùng phác đồ điều trị phù hợp với em bé cũng như chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai. Đến kỳ sinh nở, chị được tư vấn người mẹ nhiễm HIV nên mổ đẻ chứ không nên sinh thường và nuôi con bằng sữa ngoài. Kết quả, chị Th. sinh em bé an toàn, sau một tháng, thực hiện các xét nghiệm thì rất may mắn, bé âm tính với HIV.

Theo bác sĩ Ngô Thị Hồng, Trưởng khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính trong lây truyền HIV/AIDS. Khi mang thai, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm khoảng 25 - 40%. Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên 100 bà mẹ mang thai có HIV (không được can thiệp) cho thấy 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn bú mẹ. Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm. Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có sự can thiệp dự phòng vào khoảng 36%.

Thống kê tại tỉnh Ninh Bình, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 25 phụ nữ nhiễm HIV mang thai thì 100% được điều trị dự phòng. Kết quả, đã có 23 đứa trẻ được sinh ra an toàn, xét nghiệm âm tính với HIV. Như vậy, nhờ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ chỉ còn chiếm từ 0,2-0,5%.

Với phụ nữ nhiễm HIV, trước khi mang thai cần đến cơ sở y tế thăm khám sức khỏe và tư vấn của bác sỹ. Khi mang thai nên sinh con tại cơ sở y tế để được nhân viên y tế giúp đỡ, hạn chế tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đối với trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được uống xiro NVP ngay sau khi sinh đến 6 tuần tuổi và không bú sữa mẹ. Trong quá trình mang thai, các bà mẹ cần khám thai định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ, sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng dinh dưỡng của mình và con để có chế độ dinh dưỡng hợp lý… Mỗi phụ nữ có HIV cần tham gia vào chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt để được nhận điều trị ARV cũng như tư vấn về dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV.

9 tháng đầu năm 2018, đã có 8.965 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; 95% phụ nữ mang thai có HIV được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con; 100% trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV...

Từ kết quả tích cực trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thời gian tới, ngành Y tế chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp tục áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền khác nhau phù hợp với từng địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức cho các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các cơ sở y tế cũng thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, chăm sóc và cung cấp dịch vụ PLTMC cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV liên tục, kịp thời để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không để xảy ra tình trạng không có thuốc ARV cho dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
}
Top