Nỗi niềm người đồng tính: Hãy nghe họ trải lòng
Cụm từ “đồng tính luyến ái”, “gay”... mỗi khi nhắc đến khiến nhiều người tỏ ra không thiện cảm. Để có cái nhìn đầy đủ hơn về những người thuộc “giới tính thứ 3” này, cách tốt nhất là chúng ta hãy nghe họ nói.
Tôi biết Hoàng V.Th. (1997) cách đây 3 năm. Lúc đó Th. học lớp 12. Tôi đặt vấn đề muốn chia sẻ câu chuyện của em trên báo, Th. từ chối với lý do: Chẳng ích gì do bố mẹ không bao giờ chấp nhận cách em đang sống. Nay Th. đã thay đổi, đồng ý chia sẻ thông tin với báo chí, nhưng em vẫn đưa ra điều kiện: Anh hãy đổi tên và đừng cụ thể địa chỉ của em làm gì.
L.V.D. (hàng đầu, bên trái) tìm được niềm vui qua các hoạt động thiện nguyện |
Th. kể: Năm học lớp 7, em cảm thấy mình có những biểu hiện khác lạ với những bạn trai khác, chỉ thích vui đùa với bạn nữ và thích mặc quần áo con gái. Cũng từ đó, em luôn muốn được sống như con gái. Rồi một lần Th. mạnh dạn nói với bố mẹ về sự thay đổi bất thường của bản thân. Lập tức, Th. nhận sự phản ứng gay gắt, thậm chí liên tục đón nhận những trận đòn roi thừa sống thiếu chết. “Suốt một thời gian dài, em buồn tủi vô cùng. Suốt ngày bố mẹ - những người đứt ruột sinh em ra chỉ biết đánh, chửi mắng thậm tệ chứ không có lấy một câu động viên hay tìm cách tư vấn cho em nên làm sao. Bố mẹ luôn lớn tiếng bắt em sửa đổi, quay về đúng giới tính của mình. Khổ nỗi, làm sao em có thể thay đổi được” - Th. kể.
Suốt 3 năm sống cảnh buồn tủi, thấy thương con, mẹ Th. đã có suy nghĩ khác, nhưng bố vẫn giữ nguyên quan điểm: Không chấp nhận cách sống của Th. Lên lớp 10, Th. quyết định xa nhà sau khi lấy một số tiền lớn rồi vào TPHCM bươn chải sống và thực hiện ước mơ chuyển giới. Trong một lá thư gửi về nhà, Th. viết: “Bố mẹ à, con đã rất khổ tâm. Con bị xã hội kỳ thị, bạn bè xa lánh. Con sinh ra nhưng không có quyền lựa chọn giới tính cho mình hay sao? Bố mẹ chẳng phải đã từng dạy con rằng, hạnh phúc nhất là được sống thật với bản thân mình, và chính con lâu nay đang làm như thế. Nhưng éo le thay, hạnh phúc của con lại đang đem lại nỗi buồn cho bố mẹ, gia đình. Có nhiều lúc con mệt mỏi vô cùng, và thèm một lời động viên, an ủi của bố mẹ lắm nhưng chờ hoài chẳng thấy”. Th. bảo, thời gian em bỏ nhà đi, dù có điện thoại nhưng chỉ có mẹ gọi, động viên. Thời gian chuyển giới rồi, chẳng biết mẹ thuyết phục thế nào mà bố chấp nhận em, khuyên trở về tiếp tục học tập. Giờ thì tạm ổn rồi, dù trong lòng bố chẳng vui nhiều trước mặt em” - Th. trải lòng.
Chuyện trò với những người đồng tính, chúng tôi hiểu được rằng, rất ít người thuộc giới tính thứ 3 dám “sống thật” với gia đình và xã hội. Câu chuyện của P.A.T (22 tuổi, quê Hà Nội) và L.V.D (23 tuổi, quê Quảng Trị) trong chuyến du lịch tại Đà Nẵng mới đây khi 2 người trải lòng là một minh chứng. Là con trai, khi đang học lớp 5, T. phát hiện mình không thích các trò chơi vận động mạnh mà chỉ thích chơi các trò con gái hay chơi. Lạ hơn nữa, T. cảm thấy con gái có thân mấy cũng chỉ là bạn, nhưng khi gần các bạn nam T. lại cảm thấy rạo rực khó tả. Cảm giác đó ngày một rõ ràng hơn. Cấp 2, T. hay bị bạn bè trêu chọc là “ái”, “pê-đê”. Những lúc như thế T. ngại lắm, buồn và tủi thân vì thấy mình khác người ta. Lên cấp 3, T. càng sống thu mình, ít nói chuyện với mọi người hơn. Sau khi biết mình là người đồng tính, T. cảm thấy tính khí mình thất thường và đặc biệt là hay buồn, hay nghĩ. Khi được hỏi về gia đình, T. nói: “Lúc chuyện trò với bố mẹ thì nhiều khi bố mẹ tỏ ra không hài lòng, gạt phắt đi. Từ lâu rồi em không nói chuyện với người thân để chia sẻ suy nghĩ, tình cảm. May ra chỉ là những câu chuyện nói cho có, cho xong. Em nghĩ, có lúc thấy mình có dấu hiệu trầm cảm, ít nói, ít bạn. Em thèm chia sẻ nhưng chẳng biết chia sẻ cùng ai và lắm lúc cảm thấy có chia sẻ cũng chẳng ai hiểu mình”.
Còn với D., năm học lớp 10 mới bắt đầu nghi ngờ về giới tính của mình, nhưng vẫn chưa chắc chắn vì nghĩ rằng các bạn nam tốt với mình thì mình tốt lại thôi. Cho đến năm lớp 12, khi một bạn nam lớp dưới tỏ tình, D. mới hiểu rõ bản thân mình muốn gì. “Khi trong trường rộ lên mối quan hệ của 2 người, các bạn học sinh thường chỉ trỏ, trêu chọc em là pê-đê này nọ. Bọn em thấy nhạy cảm nên bị dày vò tâm lý, tinh thần nhiều lắm” – D. tâm sự. D nói rằng, nếu như có ba mẹ thì chắc chắn ba mẹ sẽ yêu thương em, mặc kệ em là ai. Hiện tại em đang sống với chú thím, em lo rằng nếu nói ra em sẽ bị chê bai. Còn bà nội em đã quá già để chịu cú sốc này. Thế nên với gia đình, em vẫn còn khá kín, chưa dám sống thật với bản thân.
Không chỉ hoang mang, hoảng sợ trước những dấu hiệu bất thường ban đầu của bản thân, D đã buồn tủi vì những cái nhìn cay nghiệt của một số người, mình và các bạn đồng tính chơi chung với nhau còn trăn trở về tình yêu, về một mái ấm gia đình. D. kể: Em đã trải qua 4 mối tình, tuy nhiên tất cả đều nhanh chóng đổ vỡ vì giữa họ chẳng có cái gì ràng buộc, nên lắm người đồng tính sống buông thả. D. nghĩ, tình yêu đồng giới phải thật sự chân thành, mãnh liệt hơn khác giới gấp nhiều lần thì họ mới có thể gắn kết với nhau. “Em nghĩ, nếu như cuộc sống chỉ có sinh, lão, bệnh, tử thì thật đơn giản. Nhưng không, em cũng cần có gia đình, con cái, về già cũng mong được con cái chăm sóc. Nếu như các cặp vợ chồng khác giới họ có cái chung đó là con cái, thì tại sao chúng em lại không?”. Theo D., dù em có sự khác biệt với các bạn, dù thuộc về phần thiểu số, nhưng vẫn là con người, vẫn mong mỏi được sống, được yêu thương. Và những người như em cũng không phải bị bệnh như một số người vẫn nghĩ. Khoa học cũng đã thừa nhận điều đó, nên hãy đừng đặt chúng em ra ngoài xã hội.
Trong thế giới người đồng tính, chúng tôi biết có khá nhiều câu chuyện bi đát. Có người khi nhắc đến thời khắc mình phải kết hôn cho thuận lòng cha mẹ, họ cảm thấy “run sợ”, “ớn lạnh”. Câu chuyện của anh Tr. tôi gặp tại Tây Nguyên là minh chứng điển hình. Năm 2009, anh Tr. 30 tuổi. Với vóc dáng đô cao, sáng sủa, không ít gia đình trong vùng muốn gả con gái cho anh. Dù bị bố mẹ thúc giục nhiều lần, nhưng anh tảng lờ vì biết mình không có cảm xúc với người khác giới. Ruột như thiêu như đốt bởi cậu quý tử, bố mẹ anh Tr. chuyển từ dỗ ngọt đến dọa nạt. Sau gần 1 năm trời chịu đựng chì chiết, anh Tr. đành kết hôn với một cô gái theo sự dàn xếp của gia đình.
“Thật không thể chịu nổi khi mỗi tối nhìn thấy chiếc váy ngủ của vợ mình. Đó là hình ảnh khiến tôi ớn lạnh, run sợ. Nhưng rồi vẫn phải chịu đựng để có một đứa con cho trọn ý mẹ, lòng cha” - anh Tr. kể.
Năm 2012, anh Tr. làm cha, dù mừng lắm nhưng không xua đi những xúc cảm thật phải kìm nén trong lòng. Thi thoảng, anh lại dối vợ đi bẫy chim để kiếm “bạn tình”. Thấy chồng có biểu hiện lạ như có bồ nhí, vợ anh bám theo mới tá hỏa khi thấy cảnh chồng đang vuốt ve một người đàn ông khác. Sau lần đó, anh Tr. quyết định ly dị vợ, trở lại cuộc sống thật của mình…