Nữ bác sĩ còn nhiều trăn trở trong việc điều trị cho người nghiện
Với vai trò Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, bác sĩ Lương Thị Thu Hà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng với công việc. Chị đã được Bộ Công an tôn vinh “Phụ nữ tiêu biểu có thành tích xuất sắc về phòng, chống ma túy”.
Nâng cao công tác điều trị, cai nghiện ma túy
Tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý tại tỉnh Bắc Kạn nhiều năm qua có diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ được số lượng ma tuý lớn. Hiện toàn tỉnh có 91/108 xã phường thị trấn có tệ nạn ma tuý, số người nghiện ma tuý, sử dụng trái phép chất ma tuý có xu hướng tăng và trẻ hoá, nhất là các loại ma tuý tổng hợp.
Thực hiện Chương trình phòng, chống ma tuý của tỉnh, trong những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện thực hiện tốt nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến người nghiện nói riêng. Là đơn vị đầu mối trong việc tham mưu, triển khai kế hoạch điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng thuốc Methadone trên toàn tỉnh. Chương trình được triển khai từ năm 2012, đến nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở điều trị và 1 điểm cấp phát thuốc Methadone với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị thay thế bằng Methadone tại các cơ sở là 720 người. Theo đánh giá của các ngành chức năng, chương trình điều trị nghiện thay thế bằng Methadone ngoài việc dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu (viêm gan C, B) đã mang lại ý nghĩa hết sức nhân văn, giúp người nghiện ma túy thay đổi hành vi, lối sống, phục hồi nhân cách, hoà nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và sự bình yên của xã hội.
Công tác trong môi trường liên quan đến các bệnh nhân nghiện ma túy, bác sĩ Lương Thị Thu Hà đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo "Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" của tỉnh, Sở Y tế, Ban Giám đốc Trung tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện thay thế bằng Methadone góp phần chung vào thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý trên toàn tỉnh.
"Hiệu quả của việc điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đối với người nghiện ma tuý là rất rõ ràng, đã được đánh giá và ghi nhận. Tuy nhiên, trong công tác này, tôi còn một số trăn trở như: Tỷ lệ người nghiện ma tuý tham gia điều trị thay thế bằng Methadone tại các địa phương chưa cao. Bắc Kạn là tỉnh miền núi, địa bàn cách trở, giao thông bất tiện, kinh tế khó khăn, mạng lưới cơ sở điều trị hạn chế gây trở ngại cho bệnh nhân trong việc tham gia điều trị với quy định phải đến cơ sở uống thuốc hàng ngày, do vậy họ rất dễ bỏ liều, bỏ điều trị, tái sử dụng ma tuý hoặc nghỉ điều trị Methadone một vài ngày, tác động lớn đến kết quả điều trị", bác sĩ Thu Hà cho biết.
Chính vì vậy, bác sĩ Thu Hà đã không ngại khó, không ngại khổ, cùng đồng nghiệp tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp người nghiện cai nghiện, góp phần làm giảm các đối tượng nghiện, tái nghiện, sớm hòa nhập với cộng đồng.
Giải pháp phòng, chống, cai nghiện ma túy có hiệu quả
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, bác sĩ Lương Thị Thu Hà cho rằng, để phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy đạt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống ma túy theo hướng chuyên môn hóa, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ. Ưu tiên tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách và bộ phận làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Bảo đảm các nguồn lực, có chính sách đãi ngộ thích đáng, động viên, khuyến khích việc tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy.
Cùng với đó, cần xây dựng chương trình, kế hoạch, gia tăng thời lượng và đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao sinh động mang thông điệp phòng, chống ma túy. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, trọng tâm là học sinh - sinh viên, công nhân, viên chức, đoàn viên công đoàn và nhân dân ở các vùng có nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy.
Bác sĩ Thu Hà khẳng định, cần liên tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy. Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực vào công tác điều trị và cai nghiện ma túy. Tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện, người cai nghiện ma túy và đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Hỗ trợ nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi công năng các cơ sở cai nghiện ma túy, điều trị lồng ghép điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone) tại cộng đồng hoặc theo cụm xã, phường, thị trấn. Đồng thời, hỗ trợ công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Mở rộng điều trị Methadone cho phạm nhân trong trại giam. Triển khai kế hoạch cấp thuốc cấp thuốc nhiều ngày cho bệnh nhân, phù hợp với địa hình vùng núi.
Trong nhiều năm qua, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn luôn được sự quan tâm của các Bộ, ngành liên quan và sự giúp đỡ tạo điều kiện của Ban Giám đốc Trung tâm trong công tác phòng chống ma túy. Là Trưởng khoa, bác sĩ Thu Hà không ngừng cải tiến các biện pháp điều trị và đề ra các kế hoạch cụ thể nhằm cai nghiện cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao hơn.
Với những cống hiến của mình, năm 2018, bác sĩ Lương Thị Thu Hà được Bộ Y tế tặng Bằng khen "Đã có nhiều thành tích đóng góp chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2008 -2018". Năm 2019, chị được Bộ Công an tôn vinh tặng Bằng khen "Phụ nữ tiêu biểu có thành tích xuất sắc về phòng, chống ma túy".