Phá cây thuốc phiện Tây Bắc: Tìm đến con chữ để đổi thay cuộc sống

05/07/2018 13:25

Những ngày ăn rừng, ngủ rừng để thâm nhập vùng giáp ranh trồng cây anh túc, có một điều tôi thấy rõ ở đồng bào một số bản vùng cao nơi đây: Họ đã và đang thay đổi quan niệm cũ “chỉ có cây anh túc mới giúp họ thay đổi cuộc sống”... Thay vào đó là quyết tâm đổi đời bằng việc cho con em mình xuống núi học chữ. Hành trình học chữ của con em họ cũng là bước đột phá như việc họ dứt bỏ được cây thuốc phiện mà bao thế hệ người vùng cao trước đó chưa làm được...

Đúng hôm vừa đặt chân đến bản Làng Sáng của xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên (Sơn La), bắt gặp khoảng 20 cháu nhỏ vừa đi vừa cười nói vui vẻ ở lưng chừng dốc. Hỏi ra được biết các cháu là học sinh cắm bản, vừa tan học về. Tôi thắc mắc sao đi học không có sách vở thì được biết khí hậu ở đây quanh năm ẩm ướt, đường đi lại gian nan nên sách, vở các em để ở lớp học. Chỉ một năm nữa thôi, những em nhỏ này sẽ lại có một hành trình xuống núi để học tiếp. Bởi ở bản chỉ dạy đến lớp 3, muốn học tiếp phải đi bộ chừng 5 tiếng đồng hồ để xuống trung tâm xã học.

Không để con em khổ như thế hệ mình

Ông Hờ A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Háng Đồng khẳng định: Việc tuyên truyền, vận động đồng bào các bản vùng cao từ bỏ được cây thuốc phiện là một nỗ lực đầy gian nan. Sau khi từ bỏ được cây thuốc phiện, xã đã vận động được các bản vùng cao khai hoang được gần 200ha ruộng nước. “Nước chảy đá mòn”, người dân đã hiểu và đồng lòng từ bỏ cây thuốc phiện, họ đã cho con em mình xuống núi học chữ với khát vọng “mong chúng không lạc hậu, mụ mị, lệ thuộc vào cây thuốc phiện và khổ như thế hệ cha, ông chúng”.

Thầy trò điểm trường Làng Sáng trong giờ học tiếng Việt

“Đúng là thay đổi rồi, thế mới thoát được nghèo đói, lạc hậu chứ, thảo nào diện tích tái trồng thuốc phiện ở bản đã không còn”, anh bạn đồng nghiệp đi cùng buột miệng thốt lên khi chứng kiến cảnh đó. Sự ngạc nghiên đó của anh bạn đồng nghiệp không có gì lạ, bởi những năm 90 của thế kỷ trước, thậm chí là đầu những năm 2000 khi tới Làng Sáng và một số bản vùng cao nơi đây khói thuốc phiện nồng nồng các gian nhà, cây thuốc phiện được người dân trồng quanh bản. Cũng bởi ngày đó Làng Sáng nhiều thuốc phiện nên số người nghiện chiếm khá nhiều, thậm chí có cả phụ nữ cũng hút thuốc phiện. Không nói đâu xa, đã từng có hai giáo viên nam dưới xuôi khi Làng Sáng làm nhiệm vụ gieo chữ đã bị thứ khói thuốc phiện mê hoặc, để rồi phải từ bỏ nghiệp giáo viên nơi vùng cao sương trắng.

Cũng bởi các ông bố mải mê với cây thuốc phiện hay tụ tập nhau để hút thuốc phiện, trong khi phụ nữ thì tối mặt trên nương, dẫn tới nhiều trẻ em trong bản không được đi học, chỉ lủi thủi ở nhà chơi với nhau hay lếch thếch cùng lên nương với mẹ đến khi gà lên chuồng mới về. Sau này lớn lên chỉ biết học theo bố mẹ trồng thuốc phiện và phá rừng làm nương Bởi cái lẽ đó, số trẻ được ăn học tại trung tâm xã đếm không hết hai bàn tay.

Lần này trở lại Háng Đồng, trẻ em các bản đều được đi học. Học xong lớp 3, không kể hộ nghèo hay trên nghèo, các em đều được bố mẹ cho xuống núi đến học tại trung tâm xã. Như tại bản Làng Sáng, trong năm học này, có 3 thầy giáo tiểu học và 2 cô giáo mầm non dưới huyện lên nằm vùng đã vận động được hơn 100 học sinh trong độ tuổi đến lớp, trong đó có 40% học sinh nữ. Kết quả đó là một phần người dân đã hiểu được ý nghĩa và sự quan trọng của việc đi học chữ. Và cũng nhờ đi học, những học sinh chúng tôi gặp đều biết nói tiếng phổ thông, không như mấy thế hệ trước, chỉ những ai hay tiếp xúc với bên ngoài thì biết nói tiếng phổ thông. Còn lại khi gặp người dưới xuôi, chỉ biết nói 2 từ "chi bâu" - (không biết).

“Ngày xưa cũng do “con ma” thuốc phiện khiến đàn ông bỏ nhà lên rừng trồng thuốc phiện hay nằm co ro trong góc nhà ôm bàn đèn. Hết thuốc phiện, lên cơn thèm lại đánh, chửi vợ, con... Bây giờ, bản chúng tôi đã không tái trồng thuốc phiện rồi. Quan trọng nhất là trẻ em đã được đi học chữ, chỉ có đi học mới đuổi được hẳn cây thuốc phiện ra khỏi bản” - ông Mùa A Dạng, một trong những người có uy tín của bản Làng Sáng nói với chúng tôi như vậy.

Tìm con chữ để thoát nghèo

Những năm gần đây, nhờ tuyên tuyền vận động được đồng bào một số bản vùng cao từ bỏ cây thuốc phiện, xã Háng Đồng đã huy động được trên 98% số trẻ trong độ tuổi đến trường. Không còn việc trẻ em nữ phải ở nhà do những quan niệm lạc hậu như trước. Đây là điều từ trước tới nay chưa có được nơi vùng cao Háng Đồng.

Một bữa ăn của học sinh bán trú Háng Đồng

Được biết, trong năm học này, bản Làng Sáng có khoảng 60 trẻ em sau khi học hết lớp 3 ở tại bản đã được gia đình tạo điều kiện để tiếp tục xuống trung tâm xã theo học từ lớp 4 đến lớp 9. Mấy năm trước, các em được bố mẹ dựng một ngôi nhà gỗ, chu cấp lương thực, thực phẩm để ăn nghỉ, học tập. Khi nào hết tháng bố mẹ lại gùi gạo hay các em lại tranh thủ về mang gạo xuống. Mỗi lần đi như vậy, các em chỉ gùi được khoảng 7kg. Đi lại khó khăn là vậy, gia đình lo ăn từng bữa là vậy nhưng các em vẫn được đi học, vẫn được chu cấp đủ gạo ăn hàng ngày. Do vậy, thời điểm đó, tại trung tâm xã Háng Đồng, hình ảnh 3 đến 4 em nhỏ ở chung một lán gỗ cùng nấu cơm, kiếm củi để học chữ khá phổ biến. Ở tuổi các em nếu ở thành phố hay thị trấn sẽ không phải làm gì ngoài việc học. Ngược lại ở đây, cảnh sống xa nhà các em phải lo hết mọi thứ, trừ gạo ăn do bố mẹ lo.

Giờ đây, đến với Háng Đồng nói riêng, các xã vùng cao ở Sơn La nói chung, học sinh tại các bản vùng cao về trung tâm xã theo học đã được quan tâm đầu tư nhà bán trú, được chu cấp gạo ăn hàng tháng. Và bữa ăn hàng ngày trước đây các em phải tự lo thì nay đã có nhân viên nấu ăn ở các trường học đảm nhiệm. Các em chỉ có mỗi nhiệm vụ là học tập.

Hôm lên bản Làng Sáng, tình cờ gặp lại em Sồng A Lầu, giờ em đang làm công tác Đoàn thanh niên ở bản. Nhìn Lầu giờ đã rất chững chạc, ra dáng một cán bộ của bản. Đây là một trong những học sinh tôi gặp cách đây hơn 7 năm. Khi đó, Lầu học lớp 5A, Trường THCS Háng Đồng. Gia đình em có 6 anh chị em. Cũng do nhà đông anh em, thuộc diện hộ nghèo, em đi học muộn lại bỏ học mất mấy năm, nên 17 tuổi em mới học lớp 5. Tôi hỏi “sao bỏ học rồi còn đi học lại?”. Lầu trả lời rành rọt: “Vì bản em ai cũng đều đi học cả, bố mẹ em bảo đi học chữ sau này biết cách làm kinh tế để đỡ nghèo”.

Để thay đổi được cái nghĩ, cách làm cho một số bản vùng cao ở Háng Đồng như ngày hôm nay từ bỏ cây thuốc phiện là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả. Bởi ngày trước, đồng bào nơi đây thường quan niệm học không làm ra tiền, chẳng để làm gì, trẻ em ở nhà còn giúp được bố mẹ khối việc. Nhưng các thầy giáo cùng cán bộ xã đã phối hợp với già bản, trưởng bản phân tích, giải thích cặn kẽ, dễ hiểu cho từng gia đình. Thậm chí, còn đưa cả những ví dụ cụ thể về sự thành đạt là nhờ đi học của những cán bộ người Mông ở tỉnh, huyện và xã...

Ngược núi xuống huyện, chia tay đồng bào vùng cao Háng Đồng khi những làn sương trắng bạc vẫn giăng kín nơi lưng chừng núi. Bất giác hình ảnh các em học sinh tại ở bản Làng Sáng cùng ca vang lời bài hát "Đi học xa" ùa về trong tôi "Chim cư cứ trên rừng gọi đàn; các bạn ơi mau nhanh chân xuống núi, xuống núi; đi học chữ, đường về trường còn xa lắm đấy; nhanh nhanh chân; các bạn ơi! Thầy cô đang mong chờ... Hôm nay đi học xa, đường tương lai đường gần...".

Top