Phát động chiến dịch ‘K=K’ tại Thái Nguyên
Chiều 11/12, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Thái Nguyên tổ chức sự kiện khởi động chiến dịch truyền thông K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) tại tỉnh Thái Nguyên.
Đại diện lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên và một số tổ chức quốc tế tại Lễ phát động chiến dịch K=K
Tham dự có PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống bệnh HIV/AIDS Bộ Y tế - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam cùng các cơ quan, tổ chức, đại diện các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Thái Nguyên cùng với các địa phương khác trong cả nước đã tập trung nhiều giải pháp ngăn chặn sự gia tăng lây nhiễm HIV và giảm thiểu tác động của dịch HIV/AIDS. Dù đã giảm dần trong những năm gần đây nhưng tỉnh vẫn nằm trong những tỉnh trọng điểm của dịch HIV, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Với sự tiến bộ của khoa học, liệu pháp điều trị kháng virus (ARV) đã đem lại hy vọng cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người nhiễm HIV, đồng thời làm thay đổi cục diện công cuộc phòng chống HIV.
Thông điệp “Không phát hiện = Không lây nhiễm” nhằm nâng cao nhận thức về liệu pháp điều trị kháng virus đối với những người sống chung với HIV. Một người nhiễm HIV khi được điều trị bằng thuốc kháng virus AVR và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp.
Chiến dịch nhằm tăng cường nhận thức về K=K trong cộng đồng những người sống chung với HIV, các nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ nhiễm HIV cũng như các tổ chức cộng đồng, cán bộ y tế và toàn xã hội.
Việc tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn về thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ; và đặc biệt là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Hiện cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị. Chiến dịch quốc gia K=K tập trung ở Trung ương và 11 tỉnh/thành phố PEPFAR với các tài liệu truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội từ đó lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV là dự phòng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS. Các tỉnh, thành phố khác sẽ lồng ghép thông điệp K=K trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.