Phát hiện, xử lý gần 300 vụ chứa, môi giới mại dâm
(Chinhphu.vn) - Năm 2020, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 553 vụ chứa, môi giới mại dâm (tăng 18,42% so với cùng kỳ), 1.115 đối tượng (giảm 12,96%). Sáu tháng đầu năm 2021, phát hiện, xử lý 295 vụ (tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2020), 592 đối tượng (tăng 9,43%).
* Tệ nạn mại dâm vẫn còn phức tạp trong mùa dịch
Công an huyện Cao Phong (Hòa Bình) phá một vụ mua bán dâm tại nhà nghỉ vào ngày 5/9/2021
Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), qua đấu tranh cho thấy tệ nạn mại dâm nơi công cộng đã giảm hẳn ở hầu hết các địa phương do thực hiện giãn cách xã hội phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, cà phê vườn, karaoke, massage... dừng hoạt động nên các đối tượng không còn điều kiện để hoạt động trá hình.
Tuy nhiên, hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức biến tướng như “gái gọi”, “gái bao”, “trai bao”, “sugar baby”, “con nuôi”... lợi dụng Internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thoả thuận đến địa điểm cao cấp như biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch, theo các hoạt động, tour du lịch, thể thao... thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm. Các đối tượng, đường dây hoạt động chuyên nghiệp có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, sinh viên, người tham gia các cuộc thi sắc đẹp.
Tại TPHCM, theo số liệu thống kê, trên địa bàn TPHCM có trên 25.000 lao động nữ làm việc tại 8.674 cơ sở kinh doanh dịch vụ và ước tính có 2.500 người nghi vấn hoạt động mại dâm; có 20 điểm, tụ điểm, tuyến đường thuộc TP.Thủ Đức và 10 quận, huyện có phát sinh tệ nạn mại dâm nơi công cộng.
Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, di biến động, tinh vi và trá hình của nó vẫn còn diễn biến khó lường. Ngoài số đối tượng hoạt động mại dâm theo phương thức cũ, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, đối tượng tổ chức mại dâm đã lợi dụng hình thành các đường dây môi giới theo hình thức “gái gọi” thông qua mạng Internet, sử dụng các trang website... hoặc thông qua ứng dụng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Wechat... hay các cơ sở kinh doanh dịch vụ (spa, massage) trá hình hoạt động mại dâm đồng tính nam, các đường dây sextour có tính quốc tế vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, do đó các đơn vị chức năng rất khó khăn trong công tác đấu tranh, truy quét, triệt phá.
Tại Hà Nội, theo Sở LĐTB&XH Hà Hội, trong 6 tháng đầu năm, Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội liên ngành 178) các cấp đã kiểm tra gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hơn 100 cơ sở. Lực lượng công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá nhiều vụ liên quan đến hoạt động mại dâm.
Cùng với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhằm hạn chế phát sinh hoạt động mại dâm, ngành LĐTB&XH duy trì triển khai “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” tại phường Ngọc Khánh và phường Cống Vị (quận Ba Đình); phường Yên Hòa và phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy).
Thông qua mô hình này, Hà Nội có hơn 100 người là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; gần 500 người làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ được cung cấp thông tin, kiến thức về các quyền của người lao động, được đào tạo, tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Tại quận Hoàng Mai, các cơ quan chức năng duy trì hoạt động của mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” và “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng”. Nhờ đó, hàng trăm lượt người bán dâm được cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe, tư vấn, học nghề để thay đổi nghề nghiệp, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng bền vững...
Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; đề xuất xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mại dâm. Hoàn thiện trình Bộ LĐTBXH, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021- 2025 và hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai Chương trình sau khi được phê duyệt. Đồng thời xây dựng nội dung, đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động phòng ngừa mại dâm nhằm giảm thiểu tác hại, đảm bảo quyền bình đẳng của người bán dâm trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm...