Phát huy vai trò người có uy tín trong phòng, chống tội phạm vùng đồng bào DTTS
Sáng 12/7, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên”.
Tọa đàm “Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên” |
Dự và chủ trì buổi Tọa đàm có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục tham mưu, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các đại biểu già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
MTTT góp phần phòng, chống tội phạm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Hệ thống MTTQ Việt Nam trong cả nước đã phối hợp với ngành Công an và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
MTTQ Việt Nam ở sơ sở và các tổ chức thành viên đã nỗ lực cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Ngày càng có nhiều mô hình nhân dân tự quản tham gia phòng chống tội phạm được hình thành và phát triển rộng rãi trong cộng đồng.
Thông qua các hình thức hoạt động ở cơ sở (giai đoạn 2010-2015), MTTQ Việt Nam và các cấp cùng ngành Công an và tổ chức thành viên xây dựng và duy trì được 20.000 hòm thư tố giác tội phạm, 22.040 đường dây nóng tại các khu dân cư, địa bàn trọng điểm; xây dựng duy trì 650.980 “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ dân phòng”, “Đội xung kích phòng, chống tội phạm”, “Khu phố an toàn”, “Cổng an ninh”; 125.000 “Tổ hòa giải” ở các khu dân cư làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức đấu tranh, tự phòng, tự quản trong nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân trong tham gia phòng, chống tội phạm.
Tuy nhiên, thời gian qua tình hình tội phạm nước ta vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, số vụ án khởi tố, điều tra tăng, tính chất tội phạm nghiêm trọng, xảy ra ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Riêng tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm khoảng 90% tổng các số vụ án giết người. Xu hướng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp ngày càng tăng.
Tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, mại dâm) diễn ra ở nhiều địa phương với nhiều thủ đoạn và có xu hướng gia tăng; số người hết thời hạn cải tạo được tha tù trở về địa phương sinh sống có nguy cơ tái phạm cao; nhiều vụ phạm tội, vi phạm pháp luật chưa được phát hiện, tố giác kịp thời dẫn tới những hậu quả xảy ra vô cùng nghiêm trọng.
Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm chưa hiệu quả; việc phân công giúp đỡ, cảm hóa người phạm tội tại cộng đồng chưa cụ thể, chưa có cơ chế rõ ràng trong việc giải quyết việc làm đối với người hết thời gian cải tạo được tha tù trở về địa phương sinh sống.
Tình hình trên đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách cho cả hệ thống chính trị trong đó có yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đối với công tác tuyên truyền vận động và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, nhân dân nhất là trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, tố giác tội phạm và tổ chức cảm hóa người phạm tội tại gia đình và cộng đồng nhằm hạn chế tình trạng phát sinh và tái phạm tội.
Phát huy những kết quả và kinh nghiệm thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án: “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 01/138).
Đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, mục đích của Đề án là huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, ngừa tội phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; thực hiện tốt công tác cảm hóa, giáo dục giúp đỡ, tạo việc làm cho đối tượng phạm tội nhằm ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giảm tỷ lệ tái phạm tội tại các địa bàn dân cư; xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh từ mỗi gia đình và khu dân cư.
Người uy tín đóng vai trò quan trọng trong vận động quần chúng nhân dân
Tham gia phát biểu tại buổi Tọa đàm, Đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục tham mưu, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an chia sẻ, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo đầu tư xây dựng.
Nhờ đó, đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố ngày càng vững mạnh.
Tuy nhiên so với mặt bằng chung của toàn quốc, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, tình hình trật tự, an toàn xã hội chưa được bảo đảm vững chắc, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định; các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với các tổ chức phản động trong và ngoài nước tập trung chống phá quyết liệt, chúng thường lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai, nhân quyền để kích động chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; kích động tư tưởng li khai, tự trị…
Thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo…
Cụ thể, qua công tác tuyên truyền, vận động đặc biệt chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số, lực lượng Công an đã vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; tiến hành cảm hóa giáo dục, quản lý tại cộng đồng những đối tượng Fulro đã bị bóc dỡ; những người dân nhẹ dạ, cả tin theo tà đạo “Hà Mòn” và các tà đạo khác quay trở về sinh hoạt các tôn giáo chính thống được Nhà nước công nhận.
Có được những kết quả đó là nhờ vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Người uy tín là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào các dân tộc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc.
Cũng tại buổi Tọa đàm các già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu trong phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã tham gia chia sẻ các mô hình, các cách làm hay trong việc giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tham gia xây dựng cuộc sống bình yên ở khu dân cư, cũng như hướng cho các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo trong lòng dân tộc.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực cống hiến của các già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu trong phòng, chống tội phạm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn trong thời gian tới, các già làng, trưởng bản, chức sắc các tôn giáo, người tiêu biểu; các tổ chức thành viên, ngành Công an tiếp tục phát huy vai trò của mình đóng góp nhiều hơn trong tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng, chống tội phạm từ cộng đồng dân cư.
Vận động nhân dân tham gia cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; tiếp tục củng cố hệ thống tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm; tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các diễn đàn về an ninh trật tự; xây dựng và nhân rộng các mô hình về an ninh trật tự khu dân cư; thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội về lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cơ sở…
Đối với những kiến nghị, đề xuất của các vị đại biểu MTTQ Việt Nam sẽ ghi nhận và chuyển đến Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành xem xét.