Phối hợp chặt chẽ truy quét tội phạm ma túy trên tuyến biển
(Chinhphu.vn) - Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thượng tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng phòng chống tội phạm ma túy (Cục nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát) cho biết, hiện nay, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biển diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Việc phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nước là hết sức cần thiết.
Thượng tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát). Ảnh: Hoàng Giang
Tình hình tội phạm ma túy trên tuyến đường biển được nhận định ngày càng trở nên phức tạp hơn. Thượng tá có thể cho biết rõ hơn tình hình này?
Thượng tá Phan Quang Huy: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đường hàng không đi các nước bị gián đoạn, đường bộ bị kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch, dẫn tới tình hình mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến biển diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
Điển hình như từ ngày 10 đến 25/12/2020, lực lượng chức năng đã tiếp nhận và thu giữ 83 kg ma túy tổng hợp (dạng Methamphetamine) do trôi nổi trên biển (cách Tây Tây Nam Đảo Nam Du khoảng 27 hải lý, cách Đông Bắc Đảo Thổ Châu khoảng 22 lý) và trôi dạt vào bờ biển (Đảo Nam Du, Đảo Thổ Châu) - thuộc vùng biển của tỉnh Kiên Giang (khu vực biên Tây Nam Việt Nam) được ngư dân phát hiện, giao nộp.
Ngày 05/02/2021, tại vị trí cách Tây Bắc Đảo Thổ Châu (Kiên Giang/Việt Nam), lực lượng chức năng của Đảo PoulWai/Campuchia phát hiện 23 thùng có chứa ma túy tổng hợp (dạng ketamin) có tổng trọng lượng 465,55 kg.
Đây cũng là tuyến mà các đường dây ma túy quốc tế thường xuyên lợi dụng để vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy trái phép đi, đến Việt Nam và chuyển đi nước thứ ba. Ma túy được cất giấu, trà trộn vào các container hàng hóa khác nhau như: thực phẩm, mỹ phẩm, hải sản đông lạnh, hạt nhựa, gỗ thành phẩm, loa thùng, phế liệu, đá xây dựng... để đưa đi các nước.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, do nguồn lao động làm việc trên các tàu cá ở các tỉnh ven biển bị thiếu hụt, nhiều chủ tàu phải thuê lao động từ các địa phương khác nhau nhưng không nắm rõ lai lịch của họ, dẫn đến tình trạng các đối tượng nghiện, tội phạm ma túy, truy nã... trốn xuống các tàu đi đánh cá trên biển, làm cho tình hình an ninh trật tự, tội phạm trên biển gia tăng, phức tạp.
Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài, dự báo các đường dây tội phạm ma tuý có yếu tố nước ngoài tiếp tục tìm cách lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển trái phép chất ma tuý về Việt Nam tiêu thụ hoặc quá cảnh vào Việt Nam và chuyển đi nước thứ ba.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy của lực lượng cảnh sát biển chắc hẳn còn gặp nhiều khó khăn khi địa bàn rộng lớn, lực lượng lại mỏng… Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có những biện pháp nào để khắc phục những khó khăn này?
Thượng tá Phan Quang Huy: Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo và triển khai các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động quản lý địa bàn được phân công, phối hợp nắm chắc tình hình liên quan đến các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma tuý trên các vùng biển để kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Đồng thời mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật…
Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát biển đã chủ trì và phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là tại các khu vực âu tàu, bến cảng, trường học với nhiều nội dung và hình thức khá phong phú, như: Tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, xây dựng các tin, bài, tuyên truyền qua đài phát thanh, trang tin điện tử trên internet, pa nô, áp phích, tranh cổ động...
Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện 15 đợt tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho 7.630 lượt người, phương tiện, phát hơn 8.000 tờ rơi các loại, tặng gần 300 lá cờ tổ quốc cho ngư dân đi biển và tặng 40 triệu đồng cho các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương
Với địa bàn rộng lớn, lực lượng lại mỏng, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biên luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Công an, Biên phòng, Hải quan.
Mỗi lực lượng có một thế mạnh riêng, khi phối hợp với nhau sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ từ công tác tuyên truyền đến thực hiện các kế hoạch đấu tranh; hỗ trợ lực lượng, phương tiện kỹ thuật trong giám sát đối tượng, tàu thuyền trên biển, trao đổi các thông tin về phương thức, thủ đoạn và các loại ma túy mới; tham mưu xây dựng, tham gia ý kiến các văn bản liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động hợp tác quốc tế, hội nghị, hội thảo bị tạm hoãn hoặc dừng lại. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát biển đã tích cực, chủ động bằng hình thức gửi thư điện tử để trao đổi thông tin với các nước trong khu vực về tình hình tội phạm ma túy, nhất là tình trạng ma túy trôi dạt trên biển, qua đó đã trao đổi, nắm được thông tin về tình hình tội phạm ma túy trên biển.
Nhờ đó, số vụ, số đối tượng bắt giữ tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm 2020, trong đó có nhiều vụ án lớn đã được điều tra, đấu tranh và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho ngư dân. Ảnh: CSB
Giám sát chặt chẽ các vùng biển trọng điểm
Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung các giải pháp nào để phòng chống tội phạm ma túy trên tuyến biển đạt hiệu quả hơn nữa, thưa Thượng tá?
Thượng tá Phan Quang Huy: Có thể nói, kết quả đấu tranh, bắt giữ tội phạm ma túy có tăng nhưng chưa tương xứng với thực tiễn tình hình. Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Quân đội về công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên biển. Đặc biệt, tăng cường hoạt động trên các khu vực biển nhạy cảm về ma túy để ngăn chặn, đẩy lùi việc thẩm lậu ma túy vào Việt Nam bằng đường biển, không để Việt Nam là điểm nóng về ma túy và là nơi trung chuyển ma túy bằng đường biển.
Trong đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nhân dân trên địa bàn đóng quân về tác hại của tệ nạn, tội phạm ma túy và các biện pháp phòng, chống ma túy xâm nhập vào cơ quan, đơn vị, gia đình.
Tích cực tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật phòng, chống ma túy cho nhân dân, nhất là ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển; chú trọng tuyên truyền phòng ngừa về ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới. Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, ngư dân về các quy định Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Chú trọng xây dựng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy trong công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Chương trình em yêu biển đảo quê hương”.
Đồng thời tăng cường công tác trinh sát năm tình hình; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và quản lý, giám sát chặt chẽ các phương tiện tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển trọng điểm (Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam) và các tuyến vận tải quốc tế (Trung Quốc, Đài Loan, Australia, Nam Mỹ) có điều kiện, khả năng liên quan đến tội phạm về ma tuý.
Triển khai thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kế hoạch khảo sát các tuyến, địa bàn vùng biển trọng điểm, phức tạp, hướng tới các các tàu vận tải quốc tế, các doanh nghiệp; tập trung điều tra, đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn trên hướng biển.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan thông qua việc triển khai thực hiện các kế hoạch khảo sát, tuần tra trên bộ, trên biển; trao đổi, chia sẻ các thông tin, giám sát các phương tiện tàu, thuyền, các đối tượng nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy; xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Ngoài ra, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với các nước có vùng biển tiếp giáp, các nước có ký kết các hiệp định, biên bản ghi nhớ liên quan đến ma túy. Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra chung với các nước trong khu vực và Cảnh sát biển các nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tá!
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan điều tra, đấu tranh hơn 150 vụ án, 200 đối tượng. Tang vật thu giữ khoảng 136 kg ma túy các loại cùng nhiều chứng có liên quan khác (so với cùng kỳ năm 2020, số vụ án, đối tượng, số lượng tang vật thu giữ là heroin và ma túy tổng hợp đều tăng).