Phòng, chống HIV/AIDS: Thay đổi cách truyền thông truyền thống
Những khẩu hiểu, biểu ngữ, banner ngập tràn hình ảnh người bệnh gầy gò, bơm kim tiêm, quả cầu gai, cái chết.... là những hình ảnh thường thấy trong các hoạt động truyền thông ma túy và HIV/AIDS truyền thống. Theo thời gian, những cách truyền thông ấy giờ đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại, văn mình. Vậy, chúng ta cần thay đổi điều gì ?
Những hình ảnh minh họa về người nhiễm HIV như trên có còn phù hợp trong công tác truyền thông phòng, chống HIV mới? Ảnh T.V |
Thành tựu và cái còn bỏ ngỏ trong 25 năm qua…
Không thể phủ nhận những thành tựu lớn lao mà công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đã làm tận tụy trong suốt 25 năm qua (1990-2015). Trước kia, nghĩ tới HIV là cái chết, là gái mại dâm. Trong cuộc chiến truyền thông không mệt mỏi trong suốt thời gian qua, chúng ta đều nhận ra những căn nguyên, người ta đã biết HIV là gì, qua những đường nào? Nhiều ban ngành vào cuộc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, công nhân, học sinh –sinh viên,... đều trở thành những tuyên truyền viên đưa kiến thức đến từng ngõ ngách nông thôn đến thành thị, từ đó tìm và hỗ trợ cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất để truyền thông thay đổi hành vi.
Thế nhưng, cũng không thể nói đến, những tác động của những truyền thông truyền thống đã ăn sâu vào quần chúng, những biểu ngữ, băng rôn, những slogan,... chú trọng tính chất hù dọa, hoặc đôi khi khuyến cáo lại mang tác dụng ngược. Chúng ta hẳn không quên những tiểu phẩm, hình ảnh với những đầu lâu xương chéo, người bệnh gầy gò, kim tiêm, quả cầu gai,... vô hình làm người dân lo sợ, xa lánh những người bệnh, tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS tăng cao, làm ảnh hưởng đến tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển gửi đến dịch vụ chăm sóc điều trị
Thực tế, chúng ta thấy có rất nhiều người nhiễm HIV hàng chục năm hoặc hơn nhưng vấn khỏe mạnh, chứ không gày gò, ốm yếu như hình ảnh hay đưa tin, cái mà chúng ta hay nhầm tưởng đó là giai đoạn AIDS. Chúng tôi có cơ hội gặp anh Vũ Hồng T – Trưởng nhóm Những người bạn, một tổ chức cộng đồng hỗ trợ người nhiễm HIV ở Bình Dương, anh T đã bị nhiễm HIV hơn 10 năm nhưng khó ai có thể nhận ra được vì anh vẫn hoàn toàn khỏe mạnh như bao người khác, vẫn đi làm và cống hiến cho xã hội. Cái mà truyền thông “quên” hoặc chưa khai thác, đó là hàng ngày có hàng ngàn người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh và đi làm cống hiến sức lực cho xã hội chứ không vô dụng như chúng ta lầm tưởng.
Truyền thông cần làm gì để thay đổi nhận thức cũ?
Đã đến lúc chúng ta cần học tập quốc tế trong truyền thông thay đổi hành vi, nhận thức về phòng chống HIV. Những banner, băng-rông, áp phích đường phố với những hình ảnh hù dọa, khuyến cáo với tác dụng ngược cần được thay mới. Những tranh ảnh, tiểu phẩm, tờ rơi nên chú trọng vào việc tuyên truyền đúng đắn về người nhiễm, giảm kì thị với nội dung có chọn lọc theo hướng quốc tế đang làm. Gạt bỏ đi những mảng màu với hình ảnh tối tăm về người bệnh cần được thay thế bằng những gam màu sáng, những gương người nhiễm HIV điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt nên được chia sẻ rộng rãi để cộng đồng nhìn nhận đúng đắn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Trưởng phòng Truyền thông (Trung tâm Phòng, Chống HIV/AIDS Bình Dương) cho biết: Cơ quan truyền thông báo chí, đài phát thanh, truyền hình cũng đóng góp to lớn trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng, do đó, các sản phẩm hướng tới cộng đồng cần gần gũi, sinh động và theo hướng tích cực. Ngoài ra, truyền thông tại cộng đồng cũng nên đối mới theo hướng đa chiều, chú trọng việc lắng nghe người dân nói cần gì xuất phát từ thực tiễn địa phương đòi hỏi. Có như vậy thì buổi tuyên truyền mới thành công, đạt hiệu quả thiết thực đối với người dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS, cũng như ma túy và mại dâm.
Ngoài ra, xã hội hóa công tác phòng chống HIV cho các tổ chức cộng đồng là một hoạt động cần đẩy mạnh, khi mà chính cộng đồng nhóm đích chia sẻ kiến thức với nhóm đích càng đạt hiệu quả cao trong truyền thông. Bình Dương có khoảng hơn 10 tổ chức cộng đồng từ các dự án xã hội đang chăm sóc và hỗ trợ cho hàng ngàn người người nhiễm. Nếu tận dụng tốt nguồn lực ấy, chúng ta hoàn toàn có thể vơi được gánh nặng truyền thông thay đổi hành vi với một chi phí cực thấp. Tựu chung lại, chúng ta vẫn đang nỗ lực thay đổi vì cái nhìn thiện cảm, đúng đắn và tích cực của xã hội về những người đang sống chung với HIV tại địa phương.