Phòng chống tệ nạn xã hội phù hợp với tình hình phát triển của xã hội

23/08/2023 16:28

(Chinhphu.vn) - Tình hình tệ nạn xã hội có nhiều diễn biến mới, từ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn quá trình tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Phòng chống tệ nạn xã hội phù hợp với tình hình phát triển của xã hội - Ảnh 1.

Ông Bùi Ngọc Quý, Vụ Trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm "Công tác tham mưu lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, những vấn đề đặt ra và giải pháp".

Tình hình tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, phức tạp, lợi dụng công nghệ cao 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế, xóa bỏ các tệ nạn xã hội. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định "Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội".

Để thực hiện có hiệu quả công tác, Đảng ta chỉ rõ cần phải "thực hiện đồng bộ các giải phòng, chống tệ nạn xã hội, kiểm soát ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phòng ngừa, đẩy mạnh cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ người sau cai nghiện, mại dâm và nạn nhân bị buôn bán trở về hòa nhập cộng đồng"; "Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em".

Đồng thời, "phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc vào gìn giữ và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội".

Mặc dù công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã được thực hiện rất quyết liệt với sự nỗ lực tham gia của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình tệ nạn xã hội vẫn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động, nhất là hoạt động qua không gian mạng (tuyên truyền lôi kéo, tổ chức, trao đổi, liên lạc…).

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng công tác tham mưu và kết quả thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ thực tiễn của một số bộ, ngành và địa phương, đồng thời thảo luận làm rõ những vướng mắc, khó khăn và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tham mưu công tác phòng, chống tệ nạn xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thông tin về tình hình tệ nạn xã hội, đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, hiện nay, tình trạng mại dâm trá hình, biến tướng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn diễn biến phức tạp. Mại dâm dưới hình thức "hợp đồng", nhận con nuôi, bố nuôi (sugar baby- sugar dady) ngày càng phổ biến.

Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín khác nhau để câu móc, trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận địa điểm thực hiện hành vi mua bán dâm.

Trong khi đó, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm, khó kiểm soát. Người sử dụng ma túy tăng nhanh, độ tuổi ngày càng trẻ hóa, diễn ra đối với mọi thành phần xã hội, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn, lái xe.

Ngoài ra, trước tình hình phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ sau COVID-19, người dân di cư tìm kiếm việc làm dẫn đến nguy cơ phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt mua bán và đưa trái phép ra nước ngoài có khả năng gia tăng, xuất hiện hình thức mua bán người thông qua hoạt động xuất khẩu lao động. Đáng chú ý, các đối tượng dùng thủ đoạn thông qua mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam sang các nước làm việc

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; Bộ LĐTB&XH đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương thống nhất tổ chức thực hiện công tác phòng, chống mại dâm theo lộ trình từng năm; ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống mại dâm.

Nhằm triển khai thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH hướng dẫn việc thành lập, giải thể; tổ chức hoạt động, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số người làm việc; nội quy, quy chế; mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành quản học viên; trang phục của viên chức, người lao động  tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 1393/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 phê duyệt Dự án "Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng ma túy trại phép chất ma túy". Đây là những căn cứ pháp lý, tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành địa phương triển khai có hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trong giai đoạn 2021-2025.

Trong công tác phòng chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 525/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. 

Phòng chống tệ nạn xã hội phù hợp với tình hình phát triển của xã hội - Ảnh 2.

Kết quả của cuộc Tọa đàm là cơ sở xây dựng tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong công tác tham mưu  lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội

Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu trình Ban Bí thư chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 01/3/1994 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội, phối hợp xây dựng Chỉ thị mới về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội.

Đồng thời phối hợp với (Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH) trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy cảm mà nhân dân quan tâm.

Tại Tọa đàm, Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, trong 5 năm từ năm 2018 đến nay, Học viện đã tổ chức hơn 525 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy với gần 340.000 người thuộc nhiều thành phần, tại nhiều địa phương tham gia. 

Qua quá trình triển khai thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền nhiều lúc chạy theo sự việc, chưa có kế hoạch thực hiện tuyên truyền theo từng địa phương, từng khoảng thời gian nhất định… Phương pháp tuyên truyền chưa thực sự đa dạng; nội dung tuyên truyền chưa có sự thống nhất, chưa đi sâu, chưa hướng đến từng nhóm đối tượng...

Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc đề xuất cần thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy; có đầu mối thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trên toàn quốc. Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, chuẩn hoá nội dung tuyên truyền, xây dựng và ban hành các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trên cả nước...

Hơn nữa, trong xu thế cuộc cách mạng thông tin đang bùng nổ hiện nay, cần phải đặc biệt quan tâm và bổ sung thêm nhiều biện pháp tuyên truyền phòng, chống ma túy, trong đó có biện pháp sử dụng mạng xã hội tuyên truyền phòng, chống ma túy. Đây là phương thức tuyên truyền hiệu quả, đặc biệt là với giới trẻ, vì có thể tiếp cận được với đại chúng rộng lớn, tiết kiệm chi phí, tính tương tác cao...

Trong khi đó. đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp như: Phối hợp để kịp thời nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh tư tưởng, các trào lưu mới, các thông tin xấu, độc. Các cấp Đoàn tiếp tục phối hợp với lực lượng công an nhân rộng các mô hình thanh niên xung kích tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Các bộ, ban, ngành có liên quan thường xuyên duy trì cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ...

Phòng chống tệ nạn xã hội phù hợp với tình hình phát triển của xã hội - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Ngọc Quý, Vụ Trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư, trong từng hộ gia đình, trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp.

"Công tác phòng chống tệ nạn xã hội đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, nhiều cơ quan đơn vị phối hợp với nhau. Điều kiện để quyết định cho việc phòng chống tệ nạn xã hội được hiệu quả là đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội và tăng cường sự quản lý của cơ quan nhà nước cũng như phát huy vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội", ông Bùi Ngọc Quý nói.

Đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp để chuẩn bị các nội dung tổng kết Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 01/3/1994 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội.

Kết quả của cuộc Tọa đàm này cơ sở khoa học giúp Ban Tuyên giáo Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực này được sát thực và hiệu quả hơn. Đây cũng là căn cứ để xây dựng tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Từ đó, đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong công tác tham mưu trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội để thực sự đem lại hiệu quả, thực chất trong thời gian tới.

Hoàng Giang


}
Top