Phòng ngừa mua bán người trong cơ sở kinh doanh dịch vụ

03/02/2022 11:13

(Chinhphu.vn) - Các nhóm tội phạm thường sử dụng “chiêu thức” là cho người bán dâm sử dụng ma túy và vay nặng lãi nhằm “cột chặt” họ vào vòng xoáy “ma túy - mại dâm - ma túy”, “vay nặng lãi - mại dâm - vay nặng lãi”...

Phòng ngừa mua bán người trong cơ sở kinh doanh dịch vụ - Ảnh 1.

Công an tỉnh Quảng Ngãi giải cứu 8 thiếu nữ bị nhốt ép tiếp khách, bán dâm trong quán karaoke vào tháng 4/2021

Nhiều nạn nhân của mua bán người bị ép bán dâm

Trong những năm qua, lực lượng Công an đã chỉ đạo, tăng cường công tác truy quét ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp, trá hình ở các khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng...

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, các hoạt động điều tra, khảo sát thu thập thông tin, đấu tranh và xử lý các tụ điểm mại dâm công cộng và khu vực biên giới, cửa khẩu được xử lý quyết liệt hơn. 5 năm qua đã truy quét tại địa bàn công cộng 17.445 cuộc, triệt phá 7.551 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ với 29.171 người vi phạm, trong đó, 16.221 người bán dâm; 8.206 người mua dâm; 4.520 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi.

Theo Bộ LĐTB&XH, các đối tượng tội phạm về mại dâm thường "núp bóng" dưới các thủ đoạn tinh vi, hình thành nên những đường dây, tổ chức khép kín, đa dạng nhiều loại hình, ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, sử dụng công nghệ thông tin,… gây nên không ít khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Một số quy định về xử phạt hành vi vi phạm hiện nay tính hiệu quả răn đe không cao nên nhiều đối tượng vẫn tái phạm. Đội kiểm tra liên ngành 178 chưa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã ảnh hưởng đến kết quả phát hiện, xử lý.

Một vấn đề nữa, đó là các ngành chưa có quy chế phối hợp về phát hiện, phòng ngừa mua bán người trong hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện nhằm kịp thời sàng lọc, xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong số người bán dâm bị phát hiện, xử lý.

Trao đổi về nguy cơ mua bán người tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, bà Trần Thị Hồng, cán bộ chương trình Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, cho biết, các nhóm tội phạm thường sử dụng các hình thức kiểm soát nạn nhân như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép sử dụng chất gây nghiện, đóng dấu/xăm hình, tống giam, bạo lực thể chất, tinh thần, giới hạn di chuyển, lao động "gán nợ", lệ thuộc nợ nần, đe dọa người thân trong gia đình, thỏa thuận với gia đình nạn nhân…

Theo ông Lê Đức Hiền, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các Công ước của Liên Hợp Quốc và luật pháp của Việt Nam về tiêu chí xác định nạn nhân của mua bán người (tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận). 

Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thường là tụ điểm của tệ nạn ma túy, mại dâm. Đây là hình thức kinh doanh "hai trong một" của cơ sở kinh doanh dịch vụ, vừa thu lợi từ dịch vụ, vừa là nguồn "cung" để đáp ứng "cầu"; đồng thời, các nhóm tội phạm thường sử dụng "chiêu thức" là cho người bán dâm sử dụng ma túy và vay nặng lãi nhằm "cột chặt" họ vào vòng xoáy "ma túy - mại dâm - ma túy", "vay nặng lãi - mại dâm - vay nặng lãi"... Vì vậy, cái khó nhất ở đây là việc tiếp cận với những đối tượng này do họ bị kỳ thị và chính họ cũng không muốn thừa nhận mình là nạn nhân.

Cần thiết bộ công cụ đầy đủ tính pháp lý

Tại Quyết định 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương: "Xây dựng dữ liệu thống kê tập trung, thống nhất về công tác phòng, chống mua bán người".

Trong đó, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng bộ công cụ phát hiện, sàng lọc và xác định nạn nhân bị mua bán trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện qua các đợt kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành 178.

Theo bà Trần Thị Hồng, bộ công cụ với các tiêu chí hướng đến nhận diện nạn nhân của mua bán người thông qua sàng lọc, phát hiện từ các vụ việc, vụ án mại dâm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đơn cử như, các đối tượng bán dâm có hoàn cảnh sau thường có nguy cơ là nạn nhân mua bán người: Tuổi tác (những người trẻ tuổi hoặc trung tuổi, kể cả trẻ em) có nhu cầu tìm việc làm; Quê quán (ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa môi trường, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu cơ hội việc làm...); Gia đình (bố mẹ li hôn, mẹ đơn thân, chủ hộ là mẹ hoặc trẻ mồ côi); Giới tính (tùy theo tính chất công việc); Giấy tờ tùy thân (không có hoặc không có quyền giữ giấy tờ tùy thân hoặc sử dụng giấy tờ tùy thân giả); Dân tộc thiểu số hoặc các tôn giáo; Người tị nạn, không quốc tịch...

Tuy nhiên các chuyên gia cũng đặt vấn đề: Trong số những người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ai thực chất là nạn nhân? Bởi theo thống kê của Bộ Công an, 48% số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài tự trở về, cùng với đó, nhiều nạn nhân bị mua bán trong nước nhưng không biết mình là nạn nhân. Việc sàng lọc, phân loại, xác minh cần phải có bộ công cụ với những tiêu chí cụ thể. Qua đó, các cơ quan, tổ chức tuyến đầu ở các cấp đều có thể tiến hành sàng lọc, xác minh nạn nhân ban đầu và chuyển tới cơ quan có thẩm quyền xác định và cấp giấy chứng nhận nạn nhân. Đồng thời, xây dựng cơ chế chuyển tuyến đối với người có nguy cơ là nạn nhân và cưỡng bức lao động nhằm đảm bảo họ sẽ nhận được những dịch vụ hỗ trợ phù hợp.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Hiền cho hay, để phát hiện, sàng lọc, xác định nạn nhân bị mua bán trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các lực lượng chức năng cần phối hợp qua các đợt kiểm tra, thanh tra và vụ án về mại dâm hoặc dựa vào chính nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ của người bán dâm, hoặc dựa vào phản ánh của cộng đồng. Về lâu dài, biện pháp căn cơ là sửa đổi luật và bổ sung chức năng cho các lực lượng tham gia, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo quyền con người tốt nhất.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất xây dựng bộ công cụ sàng lọc, phát hiện, xác minh, xác định nạn nhân, bảo đảm khung pháp lý đủ mạnh để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tệ nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân thông qua các đợt kiểm tra, truy quét của các lực lượng chức năng.

Như Ngọc

}
Top