Phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng loạn thần, ‘ngáo đá’ gây án
(Chinhphu.vn) - Trước thực trạng người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, gây ra những hậu quả hết sức đáng tiếc, các ngành chức năng cần cường công tác quản lý, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất tội phạm và vi phạm pháp luật do nhóm đối tượng này gây ra.
Hồi đầu năm, người dân TP. Huế không khỏi xót xa trước sự hy sinh của Trung tá Trần Duy Hùng, Phó Trưởng Công an phường Thủy Vân (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong lúc làm nhiệm vụ khống chế đối tượng có biểu hiện loạn thần gây rối trật tự.
Khoảng hơn 17h ngày 12/1, sau khi nhận được tin báo về vụ việc có đối tượng gây rối trật tự nơi công cộng, Đại úy Trần Duy Hùng đến hiện trường để xử lý. Tại đây, đối tượng gây rối là Nguyễn Tấn Sang (SN 1999, trú tại phường Thủy Vân) đã manh động dùng hung khí đâm trọng thương Đại úy Trần Duy Hùng. Mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu song do vết thương quá nặng, Đại úy Trần Duy Hùng đã hy sinh.
Hay mới đây nhất, tại Tiền Giang, ngày 12/3, Cơ quan điều tra Công an TP. Mỹ Tho đã khởi tố bị can là người đàn ông ngáo đá dùng dao uy hiếp trẻ tại Trường Mầm non T.T.T. trên địa bàn TP. Mỹ Tho.
Theo đó, bị can Nguyễn Bá Quân (37 tuổi, trú thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bị khởi tố để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng". Ngoài ra, cơ quan Công an đang củng cố hồ sơ để xử lý Quân về các hành vi như: Cướp tài sản, đe dọa giết người và bắt giữ người trái pháp luật.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 7h ngày 1/3, Quân dẫn theo con trai 5 tuổi cầm dao xông vào Trường Mầm non T.T.T. (phường 5, TP. Mỹ Tho) gây nguy hiểm cho giáo viên và các trẻ em. Sau khi nắm tình hình, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ triển khai các biện pháp nghiệp vụ.
Các lực lượng một mặt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các trẻ em đang bị khống chế, đồng thời thuyết phục nhưng Quân không chấp hành và có hành vi manh động. Đến 8h30' cùng ngày, lực lượng làm nhiệm vụ đã khống chế thành công, bắt giữ Quân, đảm bảo an toàn cho các trẻ em và những người xung quanh.
Từ những vụ việc trên đã cho thấy, công tác quản lý các đối tượng có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" do sử dụng ma túy đòi hỏi một giải pháp căn cơ hơn để những vụ việc thương tâm tương tự không còn xảy ra
Rà soát, thống kê, có biện pháp quản lý đối tượng loạn thần, "ngáo đá"
Trước tình hình người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp bị "ngáo đá" phạm tội, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng gây bức xúc trong nhân dân, Bộ Công an đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Để chủ động phòng ngừa, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy toàn quốc tiến hành tổng điều tra rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên phạm vi toàn quốc.
Đơn cử như tại Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng tỉnh này đã tập trung rà soát, lập danh sách, phát hiện 143 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" có nguy cơ xâm phạm trật tự xã hội. Trong năm 2023, lực lượng Công an đã đưa 9 đối tượng có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" vào diện quản lý nghiệp vụ; đã tiến hành gọi hỏi, răn đe 112 lượt, cho biểu hiện gây rối trật tự công cộng.
Còn số liệu thống kê tại Hà Tĩnh cho thấy, từ năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 30 vụ án nghiêm trọng do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra. Điều này xuất phát từ việc, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh số lượng người sử dụng trái phép chất ma túy ngoài xã hội đang còn số lượng lớn.
Tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 526 người và số người nghiện ma túy là 238 người. Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 27 đối tượng loạn thần "ngáo đá". Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã lập hồ sơ đưa 11 đối tượng có biểu hiện tâm thần, "ngáo đá" đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện, 3 đối tượng đi cơ sở giáo dục.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cho biết, vấn đề rà soát, thống kê và có biện pháp quản lý số đối tượng này, phòng ngừa, ngăn chặn gây ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tư là rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay, khi mà tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đã cơ bản thay thế các loại ma túy truyền thống và ngày càng lan rộng trong mọi thành phần, lứa tuổi.
Vì vậy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã ban hành các văn bản hướng dẫn, điện gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trong công tác xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý; rà soát, thống kê quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn, đặc biệt số lao động tự do tại các công trường xây dựng, công nhân các khu, cụm công nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an ban hành hướng dẫn tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định đưa vào diện quản lý và biện pháp xử lý người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần "ngáo đá" xâm phạm trật tự xã hội.
Kết quả đã xác định, hiện nay, trên toàn quốc có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy, trong đó số người nghiện đang ở ngoài xã hội là 71.647 người; 14.996 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.
Như vậy, tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy trên toàn quốc hiện nay là 229.265 người. Số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" là 987 người.
Cơ quan Công an cũng xác định, trong số người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện, bắt giữ có 10.553 người vi phạm hành chính (chiếm 24% trên tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy), trong đó 94,6 % là vi phạm hành chính về ma túy. 5.770 người phạm tội (chiếm 13% trên tổng số người sử dụng trái phép chất ma túy), trong đó 87,7% phạm tội về ma túy, 709 người còn lại phạm nhiều tội nghiêm trọng khác như giết người, cố ý gây thương tích, cướp giật...
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các tội phạm và vi phạm pháp luật do người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp bị loạn thần, "ngáo đá" gây ra, các lực lượng chức năng, chủ công là Công an các cơ sở (cấp xã) cần tiếp tục thực hiện các phương án, chuyên đề, hướng dẫn của Bộ Công an liên quan đến công tác nghiệp vụ cơ bản, đặc biệt là đối với lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã. Thường xuyên rà soát, phát hiện và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả đối với người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá".
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong quản lý đối tượng này; phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong quản lý người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ phạm tội.
Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng loạn thần, "ngáo đá" do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra các vụ việc xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý địa bàn, đối tượng để xảy ra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biêt nghiêm trọng.
Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác cai nghiện, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Từ đó, giúp người dân chủ động nhận biết người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá" để thông báo cho lực lượng chức năng có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, kể cả đó là người thân trong gia đình. Đồng thời trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn cho bản thân và người dân khi phải đối mặt với đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, người mắc bệnh tâm thần có nguy cơ phạm tội.
Theo các chuyên gia về y tế, người sử dụng trái phép ma túy tổng hợp bị rối loạn tâm thần luôn ở trong trạng thái trầm cảm, lo âu, buồn chán, thường có tâm lý muốn ở một mình và có thể dẫn đến tự sát; lâm vào ảo giác, hoang tưởng, thần kinh bị kích động mạnh.
Từ trạng thái tâm lý nêu trên, hành vi của đối tượng "ngáo đá" thường lặp đi lặp lại, không kiểm soát được hành động của bản thân; nói lảm nhảm, la hét, đập phá, leo trèo lên vị trí nguy hiểm, đánh người vô cớ, thậm chí là tấn công gây thương tích cho người khác hoặc giết người, kể cả giết người thân.
Các trường hợp hoang tưởng dễ phát hiện qua biểu hiện khác như: Bơi trên cạn, đốt nhà rồi cố thủ, trèo lên nhà cao tầng, cột điện; không mặc quần áo nơi công cộng; điều khiển xe với tốc độ cao gây tai nạn nhưng không nhận biết được hậu quả...
Hoàng Giang