Phòng ngừa xã hội để kiềm chế tội phạm xâm hại trẻ em, thanh thiếu niên phạm pháp

04/09/2021 07:34

(Chinhphu.vn) - Từ chiến lược trọng tâm là phòng ngừa xã hội để kiềm chế phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ và bước đầu đạt kết quả tích cực.

Vợ chồng bị cáo Tuấn và Lan Anh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

Nhiều vụ trẻ bị người thân xâm hại, tội phạm ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê từ 15/6/2018 đến 6 tháng đầu năm 2021, cả nước đã phát hiện 6.028 vụ xâm hại trẻ em, với 6.782 đối tượng, 6.198 nạn nhân là trẻ em. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 1.233 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi, với 1.389 đối tượng, xâm hại 1.284 em.

Thủ  đoạn chính của đối tượng thường lợi dụng, dụ dỗ nạn nhân đến khu vực vắng vẻ tại nơi công cộng, khu vui chơi để tiếp cận, làm quen và lợi dụng xâm hại. Đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm quen rồi dụ dỗ các em truy cập vào đường link dẫn vào các trang web đen mời chào quay clip khoe thân thể hoặc thực hiện hành vi xâm hại (chiếm 15% số vụ).

Các vụ bạo hành thường xảy ra tại những cơ sở trông giữ trẻ hoạt động tự phát không được sự cho phép của chính quyền địa phương. Các cơ sở này chủ yếu hoạt động tại xóm lao động nghèo, nhà trọ công nhân khu công nghiệp. Một số vụ việc xâm hại, bóc lột sức lao động trẻ em còn xảy ra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, massage, karaoke, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất… có thuê người lao động dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, còn có vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại bởi chính những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục như: cha mẹ ruột, mẹ kế, cha dượng, họ hàng, giáo viên, bảo mẫu. Nạn nhân thường là trẻ em dưới 16 tuổi, chủ yếu là trẻ em gái (chiếm 90% số nạn nhân bị xâm hại) do cha mẹ nhờ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình khuyết thiếu, sống với ông bà, họ hàng, cha dượng, mẹ kế hoặc gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa, ghen tuông, tranh chấp về kinh tế, tệ nạn cờ bạc, ma túy.

Điển hình là vụ việc cháu M., 3 tuổi là con riêng của Nguyễn Thị Lan Anh được mẹ đón từ nhà bà ngoại ở xã Võng La, huyện Đông Anh về ở cùng với chồng sau là Nguyễn Minh Tuấn (trú quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) tại nhà trọ trên địa bàn quận Đống Đa. Do cháu mắc lỗi mà không chịu xin lỗi nên từ ngày 29 - 30/3/2020 đã bị vợ chồng Tuấn sau khi sử dụng ma túy đã thay nhau hành hạ.

Đến sáng ngày 30/3/2020, M. có biểu hiện khó thở nên vợ chồng Lan Anh đưa đi cấp cứu, tuy nhiên cháu đã tử vong trên đường đi. Từ ngày 18 - 19/11/2020, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Tuấn mức án tử hình về tội giết người và 30 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh bị tuyên phạt mức án tù chung thân về tội giết người, 18 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Cũng trong thời gian này, cả nước phát hiện 13.992 vụ, 22.263 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội. Riêng 6 tháng đầu năm 2021 phát hiện 3.212 vụ, 5.680 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm pháp. Tình trạng người chưa thành niên tụ tập thành nhóm hoạt động phạm tội, chủ yếu là các tội trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích và các tội về ma túy (chiếm trên 60% tổng số vụ).

Các đối tượng chủ yếu sống trong gia đình không hoàn thiện, học sinh cá biệt, nghiện game, lêu lổng, bỏ học giao du với đối tượng xấu, bị lôi kéo sử dụng trái phép ma túy. Gần đây nổi lên việc đối tượng sử dụng mạng xã hội lôi kéo hàng chục thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn cá nhân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chủ động phòng ngừa

Thực hiện Chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em, Bộ Công an đã phê duyệt Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó giao Cục Cảnh sát hình sự là Cơ quan thường trực.

Với phương châm coi trọng chủ động phòng ngừa, công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn liên ngành về kỹ năng phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người, tội phạm xâm hại trẻ em, lấy lời khai thân thiện với nạn nhân là trẻ em; bồi dưỡng khả năng nghiệp vụ cho lực lượng công an cấp xã, cán bộ chuyên trách, hội viên đoàn thể quần chúng về phòng, chống ma túy, bạo lực học đường.

Lực lượng công an tập trung lực lượng cho vùng trọng điểm, vùng sâu, vùng xa còn nhiều hủ tục lạc hậu để tuyên truyền về cách nhận diện và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, kỹ năng xử lý khi bị dụ dỗ, cưỡng ép sử dụng trái phép ma túy cho trên 3 triệu lượt học sinh và người dân tại 20 địa phương trọng điểm.

Các địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình và người chưa thành niên phạm tội.

Cục Cảnh sát hình sự xây dựng kế hoạch chuyên đề điều tra, khảo sát, hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố về phòng, chống tội phạm liên quan đến người chưa thành niên, trong đó có lĩnh vực trên không gian mạng, đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng phóng sự tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý giáo dục con em không sa vào tệ nạn xã hội.

Lực lượng công an phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03, ngày 24/6/2010 về Phối hợp phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, tổ chức phát động cán bộ, đoàn viên thanh niên ký cam kết “ba không với ma túy”.

Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đội cờ đỏ, sao đỏ, học sinh, sinh viên tình nguyện ở nhiều nơi đã có sáng kiến lập ra mô hình Hộp thư xanh, Hộp thư tố giác, Hộp thư giúp bạn qua đó thu thập thông tin, phát hiện, có biện pháp quản lý, giáo dục kịp thời đối với những em có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội. Qua công tác nắm địa bàn, lực lượng công an chủ động phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các điểm bán lẻ, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy ở gần trường học, khu dân cư.

Qua các nguồn tin tố giác trực tiếp và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý hơn 6.000 thông tin liên quan đến xâm hại trẻ em theo đúng quy định về trình tự, thẩm quyền, thời hạn. Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường giải pháp phòng ngừa, nắm tình hình điều tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi.

Từ 15/6/2018 đến nay, lực lượng công an cả nước đã khởi tố 5.205 vụ, 5.050 bị can về hành vi xâm hại trẻ em, xử phạt hành chính 480 vụ, 701 đối tượng. Khởi tố 4.974 vụ, 6.960 bị can là người chưa thành niên phạm tội, xử phạt hành chính 7.833 vụ, 12.730 đối tượng (trong đó, quản lý tại gia đình 3.017 em; giáo dục tại xã, phường, thị trấn 458 trường hợp; đưa vào trường giáo dưỡng 202 đối tượng).

Phát huy thành tích đã đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, lực lượng công an và các ban, ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Các ngành quản lý chặt chẽ nội dung văn hóa phẩm, trang mạng xã hội có liên quan đến văn hóa trong trường học, cập nhật thường xuyên danh mục các chất ma túy, chất hướng thần mới xuất hiện ở trong nước để người dân nhận biết, phòng ngừa. Kiểm tra, rà soát nội dung các trò chơi trực tuyến và dịch vụ kèm theo có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, đạo đức ở trẻ.

Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc, tăng cường bám sát địa bàn, chủ động rà soát phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội liên quan đến người chưa thành niên.

Các ban, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tại trường học, khu dân cư, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của đối tượng góp phần xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh, thân thiện giúp thế hệ trẻ được phát triển năng lực, tư duy, rèn luyện đạo đức, lối sống xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.

Top