Phụ nữ lầm lỡ và câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng: Phút trải lòng

04/03/2022 10:34

(Chinhphu.vn) - Có nhiều nguyên nhân khiến cho những phụ nữ được đề cập trong bài viết này vấp ngã, phạm tội. Đường có nhiều lối rẽ và sự lựa chọn dù vô tình hay cố ý cũng có thể để lại những hậu quả khôn lường... Nhưng ”sau cơn mưa, trời lại sáng”, đường về vẫn thênh thang, rộng mở, hy vọng...

Phụ nữ lầm lỡ và câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng: Phút trải lòng - Ảnh 1.

Một buổi lao động của học viên L.T.H.

Sau cánh cửa sắt, L.T.H và P.T.O ước mơ ngày đoàn tụ cùng gia đình. Trở về và đứng dậy để bắt đầu cuộc sống mới, có ý nghĩa...

“Mong bố mẹ ở nhà khỏe mạnh, chờ con về”

Cô giáo Nguyễn Thị Thức, Phó Trưởng phòng Điều trị ngoại trú và Công tác cộng đồng, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống) đưa tôi đến gặp L.T.H, đối tượng cai nghiện bắt buộc với thời gian 18 tháng. Theo chia sẻ của cô giáo Thức, đây là một trong những học viên có hoàn cảnh đặc biệt.

L.T.H sinh năm 1988, quê ở huyện Thạch Thành, là con thứ 4 trong gia đình 9 anh, chị em. “Nhà em ở trên thuyền, sống bằng nghề đánh cá. Nhà nghèo lắm, chả có gì đâu. Trong nhà, chỉ có 2 em trai học đến lớp 4, em học mẫu giáo, còn lại chưa có ai được đến trường. Bố mẹ em đều nghiện rượu, mỗi lần say, cãi vã rất nhiều, giờ vẫn còn uống...”, L.T.H bắt đầu câu chuyện về bản thân như thế.

Năm 2014, khi 26 tuổi, H trốn nhà, theo bạn đi “làm ăn”. Cuộc sống tù túng, chật hẹp, H muốn tìm việc làm, những mong thoát cảnh nghèo khó. Nơi đầu tiên H đặt chân đến là một nhà hàng ở tỉnh ngoài. Ở đó, H hầu rượu, hầu hát và “đi khách”. Thời gian ngắn sau đó, được bạn bè rủ rê, H tham gia chơi ma túy. Từ đây, cuộc sống của H bước vào hầm tối. L.T.H nhớ lại: “Em chơi nhiều loại lắm, đá, cỏ, ke, kẹo... Làm bao nhiêu, chơi hết bấy nhiêu. Càng “đi khách” nhiều, càng có tiền nuôi ma túy. Thế mà có lần, hết tiền, em nghĩ cách đi ăn trộm mấy con gà nhà người dân, bị camera quay lại và đưa lên công an, phạt hành chính 1.350.000 đồng...”.

Cuộc chơi của H ban đầu ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, sau này là nhiều huyện, thị khác trong tỉnh Thanh Hóa. Và dù đi một vòng với sự tự do, bay nhảy cùng những cơn “say” ma túy nhưng nhiều lúc H khi tỉnh, bản thân quyết tâm tự cai nghiện nhiều lần. H đã có hơn 3 năm điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone tại 2 huyện Cẩm Thủy và Hà Trung nhưng bất thành.

Trò chuyện với L.T.H, có những tình tiết khiến tôi bất ngờ. Như cuộc tình của H, vừa đẹp vừa buồn. Theo lời kể của H: “Em và anh ấy gặp nhau khi đi lấy thuốc cai nghiện Methadone ở Trung tâm Y tế huyện Hà Trung. Sau khi quen nhau, hai đứa quyết tâm từ bỏ ma túy nhưng chỉ được 2 năm thì bọn em tái nghiện. Từ lúc gặp anh, em không còn đi khách, chỉ mình anh ấy đi làm nuôi cả hai và cho những cuộc chơi... Nhà cửa không có, bọn em sống ở gầm cầu Lèn Hà Trung với hơn mười người nữa. Ở đấy, cùng nấu nướng ăn uống, cùng nghiện ngập nhưng sau đó, cả nhóm bị công an bắt, rồi em và anh ấy cùng vào đây”...

Vào trong này, H cũng như nhiều học viên khác, vừa được điều trị phục hồi sức khỏe, vừa giáo dục, trị liệu ổn định về tâm lý, thoải mái về tinh thần. Đó cũng là lý do khiến H dù chỉ mới 3 tháng ở đây nhưng đã tăng tới 9kg, từ 38kg lên 47kg. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thức: “Học viên mỗi người một hoàn cảnh, cuộc sống của các em phần lớn thiếu thốn. Khi vào đây, đối với chúng tôi không chỉ trách nhiệm mà còn là tình thương. Gần gũi, động viên, chia sẻ để các em tiến bộ và thay đổi, cùng thực hiện tốt các nội quy, quy chế của đơn vị”.

Với L.T.H, 10 năm trốn nhà đi phiêu bạt, bước vào con đường lầm lỡ, khi nhớ lại, H lúc khóc, lúc cười. “Vào được đây, em thấy khỏe lắm, chẳng còn phải suy nghĩ điều gì. Giờ chỉ mong bố mẹ ở nhà khỏe mạnh, chờ em về. Em sẽ đứng dậy, làm lại từ đầu...”, H trải lòng.

“Chỉ mong ngày về, có cơ hội làm lại cuộc đời”

Làm cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân nữ - Phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa, Trung úy Lê Thị Trang từng tiếp xúc với nhiều phạm nhân có hoàn cảnh, tính cách, tâm lý khác nhau. P.T.O là nữ phạm nhân được Trung úy Trang nhắc đến nhiều hơn vì theo nữ quản giáo đây là trường hợp rất đặc biệt.

P.T.O sinh năm 1987, quê ở TP Thanh Hóa. Vào năm 2020, khi 33 tuổi, P.T.O phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị tòa tuyên án 36 tháng tù giam. Nữ phạm nhân với hoàn cảnh nhiều khó khăn: mẹ bị tai biến liệt nửa người, em gái tâm thần, con còn nhỏ, chồng công việc không ổn định.

Chấp hành án phạt tù, do thay đổi môi trường sống và trách nhiệm bản thân đối với gia đình khiến cho phạm nhân O những ngày đầu vào trại thường lo lắng, sống thu mình, ảnh hưởng một phần đến việc chấp hành án. Chị nhớ lại: “Sẽ không quên được cảm giác buổi đầu tiên khi tôi đặt chân đến trại tạm giam, tôi đã khóc vì biết từ đây, sẽ không còn được tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Lúc ấy, trào lên trong tôi nỗi nhớ con, thương chồng, thương mẹ và em. Thời gian đầu, tôi gần như không nói chuyện với ai. Tôi từng nghĩ, môi trường ở trong trại vô cùng phức tạp, nhưng không phải vậy. Tôi đã học được nhiều điều ý nghĩa ở đây”.

Những bài học văn hóa, giáo dục công dân, học nghề hay giáo dục, tuyên truyền, phổ biến những kỹ năng tìm kiếm việc làm, tham gia các buổi văn nghệ, đọc sách báo đã giúp cho P.T.O lấy lại cân bằng, tinh thần đỡ chống chếnh và cố gắng phấn đấu cải tạo tốt hơn. Bên cạnh đó, nữ cán bộ quản giáo Lê Thị Trang, người trực tiếp quản lý đội phạm nhân nữ luôn gần gũi, động viên, đã góp phần tiếp nguồn năng lượng tích cực để phạm nhân vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần, cảm xúc. Nữ quản giáo Lê Thị Trang chia sẻ: “Chỉ thông qua công tác giáo dục mới cảm hóa, thuyết phục được phạm nhân và cũng để phạm nhân hiểu sự nhiệt huyết, tận tình, chu đáo của cán bộ quản giáo, để từ đó phạm nhân cởi mở và nỗ lực hơn trong lao động, cải tạo”.

Về phần nữ phạm nhân P.T.O, trong hơn 1 năm qua, luôn được nhận xét, đánh giá, xếp loại cải tạo tốt và được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 7 tháng. Ngày về, với chị không còn xa, theo đó những ước mơ, dự định cũng đang được ấp ủ như chị tâm sự: “Ước mơ của tôi khi chấp hành xong án phạt tù là xin vào làm kế toán tại các công ty, đúng chuyên môn mà tôi được học để có thu nhập ổn định, cùng chồng gánh vác những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là sự kỳ thị, xa lánh của mọi người. Chỉ mong ngày về, những phạm nhân như tôi được chính quyền địa phương, doanh nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ để có cơ hội làm lại cuộc đời, không vi phạm pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Theo báo Thanh Hóa

Top