Phức tạp ma tuý 'núp bóng' thuốc lá điện tử
(Chinhphu.vn) - Tình trạng ma túy “núp bóng”, được các đối tượng tẩm ướp vào các loại hàng hóa như: bánh, kẹo, thực phẩm, dược phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử… diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Công an các địa phương, năm 2022, toàn quốc phát hiện, bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được tẩm ướp vào thảo mộc, thuốc lá điện tử: 32 vụ, 58 đối tượng; thu giữ 12,6 kg ma túy tổng hợp, 124,1 kg và 40,4 lít ma túy loại ADB-BUNTINACA.
Từ đầu năm 2023 đến nay, công an các tỉnh, thành phố đã tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền và phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến ma túy "núp bóng" thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử. Thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội là địa phương phát hiện nhiều vụ nhất, sau đó đến Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Giang, Ðắk Nông…
Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, có sự gia tăng tình trạng ma túy "núp bóng" dưới hình thức các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường. Nổi lên là việc tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng
Trước tình hình trên, công an các địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chính sách, pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại mặt hàng dễ bị tội phạm về ma túy lợi dụng "núp bóng" dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử; kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm và phạm tội.
Đề xuất cấm thuốc lá điện tử
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Cương, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới chưa được phân loại hàng hóa, định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu…
Để bảo vệ sức khỏe giới trẻ, phòng ngừa hiệu quả việc các đối tượng lợi dụng các sản phẩm thuốc lá mới để hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm thuốc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đề nghị cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử chứa nhiều hương liệu, hóa chất, có thể bị lợi dụng để pha trộn chất gây nghiện. Đã có nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc ma túy, cần sa tổng hợp tẩm trong thuốc lá điện tử sau khi sử dụng loại sản phẩm này. Một số bệnh nhân đột quỵ não, tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận... Xét nghiệm các loại thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút đã phát hiện cần sa tổng hợp 5F-ADB, ADB-BUTINACA...
Từ đầu năm đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc mang đến trung tâm trong quá trình cấp cứu, điều trị đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp.
Các chuyên gia cho rằng hiện Việt Nam chưa có thị trường thuốc lá điện tử, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua mạng. Do đó, sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Hoàng Giang