Phức tạp tình hình ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trong vùng dân tộc thiểu số

15/01/2021 10:08

Theo Ủy ban dân tộc, trong năm 2020, tình hình hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người, HIV/AIDS ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vẫn diễn biến phức tạp.

 Ảnh minh họa

Hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến biên giới diễn ra ngày càng phức tạp cả về quy mô và số lượng, âm mưu và phương thức hoạt động ngày càng liều lĩnh, tinh vi hơn. Các đường dây chủ yếu do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với đối tượng trong nước mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan vào Việt Nam để đi nước thứ ba tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn.

Theo tổng hợp báo cáo của Ban Dân tộc các tỉnh, trong năm 2020, tại vùng DTTS và miền núi, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 6.642 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, bắt 9.249 đối tượng.

Tình trạng tụ tập đông người, sử dụng trái phép các chất ma túy, chủ yếu là ma túy tổng hợp diễn biến phức tạp, đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh, thiếu niên, phần lớn là người làm nghề tự do, không có công ăn việc làm ổn định.

Công tác cai nghiện ở một số nơi chưa đem lại hiệu quả, phần lớn các trường hợp tham gia các chương trình cai nghiện bắt buộc về địa phương sau một thời gian tái nghiện. Quản lý người nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn, chưa kiểm soát hết. Số người nghiện ma túy vẫn tăng do hiện tượng tái nghiện, phát hiện mới, rà soát sót, đáng chú ý xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh. Chính sách hỗ trợ cho đối tượng sau cai nghiện để hòa nhập cộng đồng còn chưa đáp ứng được yêu cầu; gia đình có người nghiện ma túy giấu sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử... Theo thống kê, vùng đồng bào DTTS có 59.717 người nghiện (trong đó có 2.157 người nghiện là DTTS).

Tình hình trồng cây có chứa chất ma túy vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, nhất là địa bàn giáp ranh giữa các xã, huyện, tỉnh, vùng cao, vùng xa do công tác kiểm tra, nắm tình hình, thống kê, theo dõi sự di biến động của đồng bào DTTS còn hạn chế, cung cấp thông tin chưa kịp thời. Diện tích phá nhổ cây có chứa chất ma túy chủ yếu tại các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Bắc Giang... Lực lượng chức năng đã bắt 44 vụ, 36 đối tượng, triệt phá 2.160 m2 thuốc phiện, 213 kg cần sa, phá nhổ 5.426 cây thuốc phiện trong vùng đồng bào DTTS.

Đặc biệt tại tỉnh Đắk Lắk tình hình trồng cây cần sa tăng mạnh so với năm 2019 (phát hiện 03 vụ trồng trái phép cây cần sa với số lượng lớn: 01 vụ trồng 1.182 cây, 01 vụ trồng 1.082 cây tại huyện Cư M'gar và 01 vụ trồng 539 cây tại huyện Krông Búk); Tỉnh Hà Giang đã phát hiện xử lý 15 vụ, 14 trường hợp tái trồng cây thuốc phiện.

Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong vùng đồng bào DTTS diễn biến phức tạp, đặc biệt có nguy cơ gia tăng tại thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa. Số người nhiễm HIV là người DTTS còn sống: 3.534 người, nhiễm mới là người DTTS: 1008, bệnh nhân AIDS là người DTTS: 89, lũy tích số người tử vong do AIDS là người DTTS: 5.695 người. Trong vùng DTTS: số bệnh nhân đang điều trị ARV: 11.238 người, điều trị ARV có BHYT: 4.885 người.

Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn nặng nề với người nhiễm HIV, đặc biệt là sự tự kỳ thị, mặc cảm khiến đa số bệnh nhân HIV/AIDS đều không muốn điều trị tại cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh vì sợ lộ danh tính. Vì vậy gây khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. 

Tình hình tệ nạn mại dâm và mua bán người trong vùng đồng bào DTTS vẫn diễn biến phức tạp nhất là những vùng giáp biên giới. Thủ đoạn hoạt động mại dâm rất tinh vi, đa dạng, lợi dụng công nghệ thông tin để hoạt động gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Nạn nhân bị lừa bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức và hiểu biết xã hội hạn chế.

Năm 2020, trong vùng đồng bào DTTS lực lượng chức năng đã bắt 70 vụ mại dâm, 254 đối tượng, quản lý 200 hồ sơ phụ nữ bán dâm; bắt 11 vụ mua bán người, 29 đối tượng, tiếp nhận 25 nạn nhân (trong đó có 23 nạn nhân là người DTTS).

Phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản

Theo Ủy ban dân tộc, cùng với việc quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chú trọng công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm, mua bán người và chống trồng cây chứa chất ma túy ở vùng dân tộc thiểu số.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai thực hiện thường xuyên, ngay từ đầu năm Cơ quan công tác dân tộc xây dựng kế hoạch chi tiết và phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai công tác tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Qua hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và tuyên truyền sâu rộng tác hại của tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người và lây nhiễm HIV/AIDS, từ đó có giải pháp tự phòng ngừa, giúp đỡ người nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tìm kiếm việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, xây dựng mô hình xã hội lành mạnh, thân thiện.

Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư; Mô hình các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm người nhiễm, người dễ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tham gia phòng, chống HIV/AIDS và các mô hình dựa vào cộng đồng.

Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, đường biên giới dài, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, điều kiện kinh tế khó khăn, một số dân tộc phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ học vấn chưa cao, việc làm chưa ổn định, nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của đồng bào DTTS còn hạn chế, chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trong tổ chức cuộc sống gia đình và phòng, chống các tệ nạn xã hội. Đây là những nguyên nhân cho tội phạm lợi dụng, xúi dục, lôi kéo đồng bào DTTS vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các hình thức tuyên truyền tập trung, trực tiếp ở một số địa phương phải tạm hoãn và thay thế bằng các hình thức tuyên truyền khác, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền...

Trong thời gian tới, Ủy ban dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và văn bản của Ủy ban Quốc gia triển khai về công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng trong về công tác phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, đổi mới nội dung, hình thức đa dạng, phong phú các hoạt động tuyên truyền để phù hợp với trình độ, lứa tuổi, tập quán từng vùng miền, đối tượng.

Chú trọng phối hợp tuyên truyền ở các vùng trọng điểm, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng DTTS và miền núi thông qua các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống như giao lưu giữa thanh niên dân tộc các xóm, ấp, xã, cụm xã kết nghĩa bằng các hình thức tuyên truyền như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, tọa đàm, mit tinh, diễu hành, phát tờ rơi, hội thảo, nói chuyện chuyên đề tại các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn bản, buôn, khóm, ấp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa... Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người.

Phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong tuyên truyền, giáo dục, vận động, tố giác những đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không để kẻ xấu lợi dụng, kích động nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về pháp luật, cách phòng chống các loại tội phạm, hiểm họa của ma túy.

Ngoài ra, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người. Lồng ghép trong việc thực hiện các đề án, chương trình chính sách dân tộc phổ biến phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và mua bán người cho người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.

}
Top