Phương pháp y sinh: ‘Chìa khóa’ để chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030

21/11/2024 15:57

(Chinhphu.vn) - Việc triển khai tích hợp hiệu quả các phương pháp y sinh mới vào hệ thống y tế quốc gia là chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu 95-95- 95 và tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Ứng dụng các phương pháp y sinh trong chiến lược dự phòng

Trong bốn thập kỷ kể từ khi HIV/AIDS được phát hiện, cuộc chiến chống lại đại dịch này đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong y học. Trong đó, việc ứng dụng các phương pháp y sinh trong chiến lược dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã mang lại hy vọng cho hàng triệu người nhiễm và có nguy cơ nhiễm HIV trên toàn cầu.

Phương pháp y sinh: ‘Chìa khóa’ để chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030- Ảnh 1.

TS. Ramona Bhatia, Ban HIV/TB toàn cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Chi

TS. Ramona Bhatia, Ban HIV/TB toàn cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, dự phòng HIV bằng các phương pháp y sinh có nghĩa là sử dụng thuốc kháng virus để ngăn chặn lây truyền HIV. Phương pháp dự phòng y sinh là phương pháp hiệu quả nhất trong dự phòng lây truyền HIV.

Một phương pháp dự phòng y sinh nổi bật nhất là người nhiễm HIV dùng thuốc ARV để điều trị HIV, khi tải lượng virus của họ ở dưới ngưỡng phát hiện và người nhiễm HIV sẽ không có khả năng lây truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục (còn gọi là Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K). Chiến lược y sinh này có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV.

Hiện nay, có những loại thuốc PrEP mới có tác dụng lâu dài, như thuốc tiêm CAB-LA và LEN được tiêm 2 hoặc thậm chí 6 tháng một lần – những loại thuốc này thậm chí còn hiệu quả hơn so với các loại thuốc bằng đường uống.

Còn PrEP hay điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một chiến lược phòng ngừa y sinh khác. Trong chiến lược này, PrEP sử dụng thuốc ARV cho người chưa nhiễm HIV, nhưng có nguy cơ cao nhiễm HIV, nhằm ngăn chặn virus xâm nhập và nhân lên trong cơ thể, nếu phơi nhiễm xảy ra.

Phương pháp này có hiệu quả dự phòng lên đến 99% nếu thuốc được sử dụng theo đúng chỉ định. Hiện nay, có những loại thuốc PrEP mới có tác dụng kéo dài, như thuốc tiêm CAB-LA và LEN được tiêm 2 hoặc thậm chí 6 tháng một lần – những loại thuốc này thậm chí còn hiệu quả hơn so với các loại thuốc bằng đường uống, đồng thời an toàn cho người bệnh hơn.

PrEP – "vũ khí" tối ưu cho người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV

Theo thống kê, Việt Nam đã ngăn ngừa gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320.000 người tử vong do AIDS nhờ một loạt biện pháp quan trọng mà ngành y tế đã triển khai. Trong đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV là "vũ khí" tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương trong chương trình PrEP.

Theo các nghiên cứu, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) bằng phương pháp y sinh có thể mang lại hiệu quả dự phòng tới 99% khi thuốc được sử dụng theo đúng chỉ định. Có những loại thuốc PrEP mới có tác dụng lâu dài, an toàn, được tiêm 2 hoặc thậm chí 6 tháng một lần.

TS. Ramona Bhatia, Ban HIV/TB toàn cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, chương trình PrEP của Việt Nam là một trong những chương trình mạnh nhất trong khu vực. Hiện nay, đã có hàng nghìn người tham gia điều trị PrEP trên toàn quốc. Để có được sự thành công đó, không thể không nhắc tới vai trò của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Trước hết, chương trình PrEP tại Việt Nam đã huy động được sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ của cộng đồng. Việc sẵn sàng, nhanh chóng áp dụng các đổi mới của PrEP và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng đã tăng khả năng tiếp cận những nhóm người có thể hưởng lợi nhiều nhất từ PrEP.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hợp tác chặt chẽ với cơ sở, đơn vị, các cán bộ y tế để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của chương trình PrEP, giúp họ có kiến thức vững vàng trong việc thuyết phục khách hàng sử dụng PrEP cũng như cung cấp dịch vụ PrEP cho khách hàng.

Để đạt được mục tiêu quốc gia về kiểm soát HIV vào năm 2030, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ưu tiên chương trình PrEP như một chiến lược chủ chốt để mở rộng quy mô chương trình này một cách mạnh mẽ.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cam kết đa dạng hóa các loại hình điều trị PrEP khác nhau để tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho đa dạng các đối tượng. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu hẹp các khoảng trống trong chương trình PrEP, bao gồm vận động tiếp cận các loại thuốc PrEP mới vào Việt Nam, trong đó có các loạt thuốc có tác dụng kéo dài, mang lại hiệu quả cao được gọi là cabotegravir (CAB LA) và lenacapavir (LEN).

Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về các chương trình K=K và PrEP

TS. Ramona Bhatia cho biết, trong cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS, chương trình K=K và PrEP được nhận định là 2 chương trình tốt nhất. Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về các chương trình K=K và PrEP. Hiện nay, nhiều nước khác cũng đang học hỏi Việt Nam về các chương trình này. Được biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng rất cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những sáng kiến, những loại thuốc mới này để triển khai, nhằm đem lại hiệu quả dự phòng HIV cao nhất.

Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đã đặt mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng là có 25 triệu người sử dụng PrEP vào năm 2025, nhưng trên thực tế mới chỉ có 3,5 triệu người sử dụng vào năm 2023, chỉ có 15% nhu cầu PrEP được đáp ứng.

TS. Ramona Bhatia cho biết, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các nhóm nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, nhưng đây vẫn là một vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này khiến những người trong cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT) chưa được tiếp cận với việc điều trị.

TS. Ramona Bhatia cho rằng, không phải tất cả những người cần được sử dụng PrEP thì đều có kiến thức và thông tin về loại hình dịch vụ này. Do đó, cần chú ý nhiều hơn đến việc nâng cao nhận thức và giáo dục về chương trình PrEP.

Bên cạnh đó, cần mở rộng các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP đa dạng và toàn diện. Có thể tổ chức mô hình cung cấp dịch vụ lưu động, thuận tiện cho khách hàng. Ví dụ, giới trẻ thường lựa chọn cho các mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện về dự phòng và điều trị HIV hay còn gọi là một điểm đến đa dịch vụ (One stop shop - OSS). Việt Nam đã thành công trong việc nhân rộng mô hình này để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ.

Theo TS. Ramona Bhatia, trên thế giới vẫn đang kêu gọi có thêm nhiều loại thuốc PrEP khác nhau để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời đa dạng hóa mô hình cung cấp dịch vụ PrEP. Chỉ có như vậy mới có thể làm tăng nhu cầu PrEp được đáp ứng trên toàn cầu.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa là có thể do thiếu các loại thuốc khác nhau để lựa chọn hoặc thiếu nguồn lực cung cấp dịch vụ, như thiếu cán bộ y tế, thiếu cơ sở cung cấp dịch vụ khiến cho lượng người tiếp cận PrEP còn thấp.

Triển khai nhiều mô hình đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng

TS. Ramona Bhatia cho biết, hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang cố gắng hỗ trợ và triển khai các mô hình PrEP đa dạng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong đó có mô hình PrEP toàn diện OSS.

Việc cung cấp dịch vụ toàn diện về dự phòng và điều trị HIV theo cách tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu, đa dạng và có liên quan với nhau của khách hàng, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới nữ…

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã cởi mở và tiếp nhận các sáng kiến mới về điều trị PrEP. Chính vì thế, Cục cũng rất muốn sớm triển khai được dịch vụ PrEP sử dụng các loại thuốc mới, bao gồm các loại thuốc bằng đường tiêm.

"Khi chúng ta triển khai thêm được các loại thuốc này, chúng ta sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng hơn, tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030" TS. Ramona Bhatia khẳng định.

Dự phòng HIV trên toàn cầu bằng phương pháp y sinh mới đang mở ra nhiều triển vọng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Chi phí cao và yêu cầu về cơ sở hạ tầng y tế để tiêm thuốc định kỳ là những rào cản chính cho việc triển khai rộng rãi, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

TS. Ramona Bhatia nhấn mạnh, cuộc cách mạng trong điều trị và dự phòng HIV/AIDS không chỉ là câu chuyện về khoa học và y học, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác toàn cầu và quyết tâm không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế. Với những tiến bộ hiện tại và triển vọng trong tương lai, hy vọng về một thế giới mà HIV/AIDS không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Thùy Chi

hiv
}
Top