Quảng Bình: Hạn chế tối đa tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV/AIDS

02/04/2021 11:57

(Chinhphu.vn) – Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Quảng Bình đang tăng cường lồng ghép phòng, chống lao với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm lao và HIV/AIDS. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, chống bệnh lao cũng được chú trọng…

 Ảnh internet

Thời gian qua, Quảng Bình luôn chú trọng đến công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh lao, nên đa số bệnh nhân đều tuân thủ phác đồ điều trị, vì vậy, tỷ lệ điều trị thành công luôn đạt cao trên 95%. Tuy nhiên, Quảng Bình vẫn là địa phương nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao, có từ 800 đến gần 1.000 bệnh nhân lao các thể được phát hiện mới mỗi năm.

Hiện công nghệ 2X-chụp X.quang phổi kỹ thuật số di động và xét nghiệm đờm bằng công nghệ sinh học phân tử đã được địa phương ứng dụng trong khám phát hiện bệnh lao. Đây là hoạt động hoàn toàn miễn phí, giúp phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh lao.

Một trong những điều kiện quan trọng để công tác phòng, chống bệnh lao đạt hiệu quả là điều tra phát hiện và xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn, từ đó thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng người dân giấu bệnh không đi khám, khi đến cơ sở y tế bệnh đã nặng và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất lớn. Vì thế, cán bộ phòng, chống lao tại các trạm y tế xã đã chủ động đến tận những gia đình có người dân nghi mắc lao để vận động, thuyết phục thực hiện xét nghiệm đồng thời đưa vào sổ quản lý và điều trị.

Hơn nữa, bệnh nhân lao chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, do vậy, các cán bộ chuyên trách phòng, chống lao tại cơ sở, nhất là ở các trạm y tế có vai trò, trách nhiệm không nhỏ. Họ không những là người trực tiếp quản lý, theo dõi quá trình điều trị cho bệnh nhân tại trạm, mà còn là những tuyên truyền viên, cán bộ tư vấn tích cực tại gia đình và cộng đồng.

Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện khám, phát hiện chủ động bệnh nhân lao tại các địa phương, cũng như triển khai khám sàng lọc, điều tra lưu động tại cộng đồng, qua đó đã phát hiện và đưa vào quản lý điều trị 386 bệnh nhân lao. Điều đáng mừng là tất cả các bệnh nhân lao khi tham gia điều trị đều được miễn phí hoàn toàn từ nguồn kinh phí của Chương trình phòng, chống lao quốc gia.

Để công tác phòng, chống lao đạt hiệu quả tốt nhất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh việc kết hợp công tác phòng, chống lao với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tổ chức nhiều đợt truyền thông trực tiếp tại các trường học và tổ dân phố về tác hại của thuốc lá với bệnh lao phổi.

Quảng Bình nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao, hơn 800 bệnh nhân mới được phát hiện mỗi năm, lại chưa có bệnh viện chuyên lao, mạng lưới chuyên trách tuyến dưới thường xuyên thay đổi, nên khó khăn trong việc quản lý điều trị bệnh nhân giai đoạn tấn công. Hơn nữa, vẫn còn tình trạng kì thị đối với bệnh lao, nên không ít trường hợp bệnh nhân bỏ dở việc điều trị, dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng.

Thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cho cán bộ chuyên trách chống lao các tuyến, đồng thời tăng cường triển khai hoạt động tuyên truyền đến người dân về phòng, chống bệnh lao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý giám sát các tuyến bảo đảm bệnh nhân sau khi chẩn đoán được điều trị ngay; phát huy hiệu quả của công nghệ 2X trong phát hiện chủ động các ca mắc trong cộng đồng, từ đó đưa vào điều trị đúng phác đồ, triệt để tránh sự lây lan trong cộng đồng và làm bàn đạp để thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Top