Quảng Nam: Tăng cường các biện pháp dự phòng phối hợp có hiệu quả

09/02/2018 17:21

Quảng Nam đang tập trung các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS. Cụ thể, tăng cường triển khai các biện pháp dự phòng phối hợp có hiệu quả như can thiệp giảm tác hại, truyền thông có chủ đích, xét nghiệm và điều trị.

Quảng Nam tích cực tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng - Ảnh: Thùy Chi

Trong năm 2018, Quảng Nam thực hiện các hoạt động nhằm giảm 13% số nhiễm HIV phát hiện mới qua tiêm chích ma túy so với năm 2015; giảm 12% số nhiễm HIV phát hiện mới qua quan hệ tình dục so với năm 2015, 450 người nghiện chích ma túy tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…

Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại: Tiếp tục củng cố mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các tuyến và nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên; tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV ở địa phương và tuyên truyền viên đồng đẳng.

Thực hiện truyền thông trực tiếp cho nhóm nghiện chích ma túy; phối hợp với các hoạt động dự phòng, điều trị HIV và hỗ trợ xã hội khác; tổ chức các buổi nói chuyện với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhân viên, tiếp viên nhà hàng, khách sạn và chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, cơ sở kinh doanh du lịch hoặc dịch vụ văn hóa, xã hội khác.

Các hoạt động xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở y tế thực hiện công tác tư vấn xét nghiệm HIV theo đúng quy định; triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đến các cơ sở khám điều trị HIV; tổ chức hỗ trợ kỹ thuật về tư vấn xét nghiệm HIV, thực hiện xét nghiệm HIV cho các tuyến từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; khuyến khích cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV trong hệ thống y tế tư nhân....

Điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Kiện toàn và củng cố mạng lưới điều trị HIV/AIDS các tuyến theo hướng lồng ghép với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; mở rộng điều trị ARV tại cộng đồng và trong trại giam; cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS.

Ổn định, củng cố và kiện toàn mạng lưới tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; lồng ghép các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV, điều trị Methadone, tạo thuận lợi cho người bệnh và tăng hiệu quả đầu tư; phân cấp và lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các cơ sở y tế phù hợp.

Từng bước phân cấp điều trị ARV về xã, phường, thị trấn; tăng tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, trong đó củng cố, ổn định tổ chức và tiếp tục nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trong khuôn khổ hệ thống y tế; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đào tạo, tập huấn và nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Chú trọng đào tạo, tập huấn cho tuyến huyện và xã; nâng cao năng lực cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các câu lạc bộ, nhóm tự lực, mạng lưới người nhiễm HIV trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; quản lý, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật.
Top