Quảng Ngãi: Cần chủ động tiếp cận dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được tỉnh triển khai hơn 10 năm qua đã giúp cho hàng trăm trẻ được hỗ trợ y tế, sinh ra đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai vì thiếu thông tin, kiến thức, nên chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tư vấn điều trị HIV cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TT KSBT Quảng Ngãi
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, năm 2018, toàn tỉnh có trên 63% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV, vượt kế hoạch chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, 5 trường hợp nhiễm HIV được điều trị dự phòng. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng và 100% trẻ đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV.
6 tháng đầu năm 2019, có gần 10 nghìn phụ nữ mang thai được hỗ trợ tư vấn xét nghiệm, trong đó có 2 trường hợp được phát hiện điều trị dự phòng và sinh con khỏe mạnh.
Việc xét nghiệm HIV sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ biết tình trạng nhiễm HIV để sớm tiếp cận với các dịch vụ dự phòng lây. Thông qua việc xét nghiệm sớm, mỗi năm toàn tỉnh đã phát hiện và điều trị thuốc kháng virus (ARV) cho hàng chục trường hợp nhiễm HIV, trong đó có phụ nữ mang thai.
Trên địa bàn, chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai hơn 10 năm qua, giúp cho hàng trăm trẻ được hỗ trợ y tế, sinh ra đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai vì thiếu thông tin, kiến thức, nên chưa chủ động tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Cùng với đó, nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV vì lo sợ cộng đồng xa lánh, phân biệt kỳ thị, đã giấu bệnh dẫn đến kết quả không mong muốn là trẻ đã lây nhiễm HIV từ mẹ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 trường hợp trẻ em nhiễm HIV đang được theo dõi, điều trị do không thực hiện các biện pháp dự phòng. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhằm góp phần giảm tối đa số trẻ sinh ra bị lây truyền HIV từ mẹ.