Quảng Ninh: Giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng một cách bền vững

23/03/2021 17:07

Thông qua hoạt động các mô hình, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh có thể nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn. Qua đó kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại, hỗ trợ sinh kế giúp người bán dâm có thể chuyển đổi nghề và hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh, cùng với sự phát triển chung của cả nước, trong những năm qua đã có số lượng lớn lao động từ tỉnh ngoài, nước ngoài đến sinh sống, làm việc, thăm quan, du lịch tại tỉnh Quảng Ninh; kéo theo đó là sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, giải khát, karaoke, massage... Đây là những cơ sở kinh doanh dịch vụ góp phần thu hút khách du lịch, nhưng cũng là nơi dễ phát sinh tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm. Đáng chú ý, hoạt động của tội phạm mại dâm ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó tinh vi hơn gây khó khăn cho công tác, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ (như thay đổi phương thức liên lạc, thời gian địa điểm hoạt động, đối tượng mại dâm…).

Tính đến tháng 10/2020, tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh là 2.731 cơ sở với 4.481 nhân viên, trong đó: nhân viên có hợp đồng lao động là 3.027 người; nhân viên người ngoại tỉnh là 2.309 người; nhân viên nữ giới là 2.978 người; nhân viên nữ dưới 18 tuổi là 224 người.

Thực hiện Quyết định số 1875/QĐ-LĐTBXH ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thí điểm cả 03 mô hình với các dịch vụ đảm bảo để hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Đầu tiên phải kể đến Mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới” với các hoạt động hỗ trợ thông qua hoạt động của 3 nhóm đồng đẳng: Nhóm Hạ Long Xanh (thành lập tại thành phố Hạ Long), Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ Cẩm Phả (thành lập tại thành phố Cẩm Phả), Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ Uông Bí (thành lập tại thành phố Uông Bí). Giai đoạn 2016 - 2020, các nhóm đồng đẳng đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại cho người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tệ nạn mại dâm các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại do HIV/AIDS; tuyên truyền thúc đẩy hành vi tình dục an toàn. Tổ chức 33 cuộc tập huấn nâng cao năng lực làm việc theo nhóm, trang bị kiến thức kỹ năng cần thiết trong hoạt động tiếp cận, giảm hại cho 32 thành viên nòng cốt và mạng lưới liên kết của mô hình. Tổ chức 27 cuộc hội thảo giữa các thành viên nòng cốt, thành viên mạng lưới tham gia hoạt động mô hình với đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý, phòng chống bạo lực giới, an ninh trật tự, dạy nghề, giới thiệu việc làm, phương pháp tiếp cận với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thuận lợi trong việc hoạt động chuyển gửi người bán dâm đến đúng địa chỉ cung cấp dịch vụ phù hợp. Tổ chức 16 cuộc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên 3 địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Xây dựng 5.150 tài liệu truyền thông (tờ rơi, sổ tay nghiệp vụ...), 6 bảng nội quy và phân công nhiệm vụ cho 03 nhóm, CLB của mô hình.

Tiếp đến là Mô hình “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng” với Câu lạc bộ. Giai đoạn 2016 - 2020, đã tổ chức khám bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 440 lượt người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả. Tổ chức tư vấn pháp lý, làm giấy tờ tùy thân cho 50 lượt người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả. Tổ chức hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho 89 lượt người người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí. Tổ chức 5 cuộc hội thảo chuyên đề giữa chủ cơ sở trợ giúp xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội và nhóm đồng đẳng nhằm tăng cường kết nối dịch vụ.

Cuối cùng là Mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.  Mô hình này nhằm hỗ trợ, bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thông qua nhóm ILO. Giai đoạn 2016 - 2020, đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; duy trì hoạt động trợ giúp pháp lý cho người lao động có nhu cầu. Tổ chức khảo sát, lập bản đồ các dịch vụ/chương trình can thiệp sẵn có về pháp lý, sinh kế, tư vấn tâm lý, y tế, an ninh trật tự tại các địa bàn triển khai mô hình để thành viên các nhóm/câu lạc bộ tiếp cận và giới thiệu chuyển gửi cho người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm đến đúng địa chỉ khi có nhu cầu…

Các mô hình giúp người bán dâm có thể chuyển đổi nghề hoặc giảm tần suất, có việc làm, thu nhập ổn định; đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm. Đồng thời giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế, gắn với thực hiện các chính sách của tỉnh theo chương trình giảm nghèo, học nghề, vay vốn tạo việc làm, tạo thu nhập… Từ đó góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm đến đời sống xã hội, thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

 

Top