Quảng Ninh: Phát hiện hơn 18 nghìn lượt mẫu HIV dương tính
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/4/2020, các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xét nghiệm sàng lọc cho trên 1,2 triệu lượt mẫu, phát hiện 18.115 lượt mẫu HIV dương tính. Trong một vài năm gần đây, số mẫu HIV dương tính chỉ chiếm trên dưới 0,4% và đang có xu hướng giảm dần.
Chương trình điều trị Methadone giúp giảm thiểu người nhiễm HIV trên địa bàn. Ảnh: Thùy Chi
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1994, cho đến nay dịch HIV/AIDS đã phát hiện ở 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 167/177 (chiếm 93,8%) xã, phường, thị trấn trong tỉnh; số người nhiễm hiện còn sống và xác định đúng địa chỉ có mặt trên địa bàn tỉnh là 5.522 người; số người đã tử vong do HIV/AIDS là 5.594 người.
Thời gian qua, để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong cộng đồng, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn, phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, công tác tuyên truyền luôn được đặt lên là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Đặc biệt, công tác này có sự tham gia tích cực của các cấp, ngành, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng sở, ngành, đoàn thể, địa phương. Qua đó góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS. Từ năm 2005 đến nay, địa phương đã tiến hành truyền thông cho trên 9 triệu lượt người.
Quảng Ninh cũng có nhiều mô hình hay trong phòng, chống HIV/AIDS. Tiêu biểu như các CLB Đồng Vọng, Hoa Thuỷ Tiên, Đất mỏ, Vì ngày mai tươi sáng, Hoa Hướng Dương, Biển Xanh, Nhịp Cầu... Đây là nơi để cho người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người có hành vi nguy cơ cao được giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau trong cuộc sống.
Song song, các phong trào phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở, như: “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS... Hoạt động truyền thông đã cải thiện đáng kể tình trạng phân biệt đối xử, kiến thức của người dân hiểu về HIV/AIDS ngày càng tăng lên.
Đặc biệt, các đối tượng nguy cao, người nhiễm đã dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 3 phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định HIV, đó là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.
Tính đến ngày 30/4/2020, các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh đã xét nghiệm sàng lọc cho trên 1,2 triệu lượt mẫu, phát hiện 18.115 lượt mẫu HIV dương tính. Trong một vài năm gần đây, số mẫu HIV dương tính chỉ chiếm trên dưới 0,4%, có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh đó, chương trình can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao (nghiện chích ma tuý, mại dâm và nhóm dân di biến động) đã tiếp cận và cấp trên 14 triệu bơm kim tiêm sạch, trên 9,2 triệu bao cao su.
Từ năm 2011 đến nay, chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 5 cơ sở ở Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Đông Triều và điều trị cho 1.095 bệnh nhân.
Qua triển khai, chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ, hành vi, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C.
Hoạt động chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS triển khai tại 12 cơ sở điều trị ARV trên cơ sở lồng ghép hoạt động, nhiệm vụ của các phòng khám ngoại trú. Tính đến nay, Quảng Ninh là một trong rất ít tỉnh trong toàn quốc có số bệnh nhân được điều trị đạt mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra. Theo đó, tính đến 30/4/2020, số bệnh nhân đang nhận thuốc là 4.985 người (4.985/5.522 đạt 90,3%).
Hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) được triển khai từ 2019 tại phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau đó mở thêm tại Cẩm Phả, Vân Đồn trong năm 2020. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh, trong đó có 6 cơ sở sản khoa cung cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.