Quảng Ninh: Tổ chức kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm

10/03/2020 09:19

Năm 2020, theo Kế hoạch, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm đối với 71 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo quy định, đối tượng kiểm tra là các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng, phát sinh hoạt động mại dâm gồm: Kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), kinh doanh dịch vụ karaoke… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động mại dâm trên địa bàn.

Nội dung kiểm tra là kiểm tra việc thực hiện quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các quy định khác của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, gồm các nội dung quản lý, sử dụng người lao động theo quy định; cam kết chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại cơ sở; điều kiện hoạt động của cơ sở theo quy định pháp luật; sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm thông tin có nội dung và hình ảnh đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục; sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, nhập khẩu và sử dụng dược phẩm kích thích tình dục; Các quy định khác về phòng, chống tệ nạn mại dâm...

Liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm, năm 2019, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh duy trì 03 mô hình phòng chống, hỗ trợ giảm hại do hoạt động mại dâm tại cộng đồng tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Các Mô hình đã triển khai nhiều hoạt động để tiếp cận người bán dâm, người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm để tuyên truyền, tư vấn cũng như hỗ trợ cụ thể về pháp lý, y tế... để người bán dâm nâng cao năng lực, chủ động phòng tránh giảm hại cho chính bản thân và cho cộng đồng. Trong năm 2019, mô hình “ Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí: Đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 2.887 lượt người về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại do HIV/AIDS. Mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long: Đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho trên 886 lượt người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Mô hình “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng” tiếp cận được trên 805 lượt người bán dâm, nghi bán dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long để tư vấn, hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, pháp lý; Hỗ trợ khám bệnh lây truyền qua đương tình dục cho 100 người nghi bán dâm; hỗ trợ tư vấn pháp lý cho trên 30 trường hợp.

Các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Cẩm phả, Đông Triều, Quảng Yên tiếp tục duy trì Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 8 phường trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm...

Top