Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét hỗ trợ Việt Nam giai đoạn 2019-2020

11/04/2019 16:13

Ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam cho biết, Việt Nam là điểm sáng trong các nước nhận hỗ trợ từ Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét. Do vậy, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 khoảng 2,5 triệu USD để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM).

 Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hữu Thủy

Đoàn chuyên gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét vừa đến thăm và làm việc với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Đoàn chuyên gia của Quỹ Toàn cầu do ông Olivier Cavey, Quản lý Chương trình Quỹ Toàn cầu Việt Nam làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã được nghe báo cáo về tiến độ hoạt động của dự án và dành thời gian thảo luận về tình hình dịch HIV trong nhóm MSM tại Việt Nam. Cũng như kế hoạch mở rộng can thiệp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) từ nguồn hỗ trợ thêm của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét cho Việt Nam trong việc mở rộng can thiệp PrEP cho nhóm MSM.

Ông Olivier Cavey đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai dự án. Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 khoảng 2,5 triệu USD để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm MSM.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS-Giám đốc Ban quản lý các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn chuyên gia của Quỹ Toàn cầu sang làm việc tại Việt Nam, cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao, Sốt rét cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong những năm qua.

Việt Nam đang cố gắng triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khuôn khổ dự án đã được phê duyệt và cũng đã xây dựng đề xuất các hoạt động mở rộng can thiệp cho các nhóm đối tượng đích, nhất là nhóm MSM trẻ tại Việt Nam.

Theo báo cáo Giám sát trọng điểm HIV/AIDS năm 2018, triển khai trong 2 nhóm MSM và phụ nữ bán dâm, tỷ lệ nhiễm HIV nhóm MSM là 11,36% và phụ nữ bán dâm là 3,35%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nhóm MSM có xu hướng tăng nhanh từ 5,1% năm 2015, lên 7,4% năm 2016, lên 12,19% năm 2017. Do vậy, nhóm MSM đang là nhóm đối tượng đích cần ưu tiên can thiệp.

Theo ước tính, cả nước khoảng 174.000 MSSM trong độ tuổi 15-49 và riêng 32 tỉnh, thành phố thuộc dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS có tới hơn 133.000 MSM chiếm khoảng 79% số MSM cả nước. Cũng theo báo cáo của 32 tỉnh, thành phố thuộc dự án Quỹ Toàn cầu năm 2018, có 61.172 MSM đã được xét nghiệm HIV và phát hiện có 4.058 trường hợp HIV dương tính.

Hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tăng cường các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV trong nhóm này, bao gồm: Xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, xét nghiệm tại cộng đồng; sử dụng các chiến lược xét nghiệm cho bạn tình của MSM có HIV dương tính; tự xét nghiệm HIV, sử dụng các sinh phẩm thế hệ mới để phát hiện nhiễm HIV sớm hơn cũng như xét nghiệm xác định người mới nhiễm HIV.

Cùng với xét nghiêm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cũng được đẩy mạnh. Theo kế hoạch, Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS sẽ hỗ trợ Việt Nam can thiệp PrEP cho 5.600 người năm 2019 và 7.300 người năm 2020. Khi có nguồn kinh phí bổ sung từ dự án Quỹ Toàn cầu sẽ can thiệp thêm cho khoảng 8.000 người trong giai đoạn 2019-2021.
}
Top