Quỹ Toàn cầu tài trợ 54 triệu USD cho dự án phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam

01/04/2020 16:35

Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét đã quyết định tài trợ cho Việt Nam phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét trong 3 năm tới 2021-2023. Trong đó, 54 triệu USD dành cho dự án phòng chống HIV/AIDS. Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và VUSTA- Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục là hai cơ quan nhận tài trợ chính của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Đối tượng đích được hưởng lợi dịch vụ xét nghiệm HIV từ dự án VUSTA. Ảnh: Thùy Chi

Theo đánh giá của ông Olivier Cavey, phụ trách các dự án tại Việt Nam của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét, dự án VUSTA đã được xếp hạng A1, hạng cao nhất trong các xếp hạng dự án của Quỹ Toàn cầu, do những kết quả xuất sắc trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy trong nhiều năm liên tục từ 2016 cho đến nay, dự án VUSTA luôn được xếp hạng A1.

Dự án VUSTA đã triển khai thành công mọi hoạt động theo đúng kế hoạch. Tính đến 30/11/2019, dự án đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ dự phòng cho 66.512 khách hàng có hành vi nguy cơ cao, xét nghiệm HIV cho 55.665 người, phát hiện 2.037 người nhiễm HIV (3.7%) và kết nối điều trị ARV cho 2.018 người (99%). Tỷ lệ giải ngân đạt 90%.

Trong giai đoạn 2021-2023, Dự án VUSTA chú trọng các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam.

Các đối tượng can thiệp bao gồm: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là đối tượng được ưu tiên cao; người nghiện chích ma túy và bạn chích (PWID), kể cả người nghiện chích ma túy có sử dụng ATS; phụ nữ mại dâm (FSW) và bạn tình; người chuyển giới nữ (TGW); bạn tình của người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, hỗ trợ người nhiễm HIV chưa điều trị ARV, bỏ trị, mất dấu hoặc gặp khó khăn khi tiếp cận với điều trị ARV.

Dự án giai đoạn này sẽ lựa chọn địa bàn dựa trên danh sách các tỉnh có gánh nặng về HIV cao và trung bình của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế). Đồng thời, đánh giá lại địa bàn của dự án VUSTA giai đoạn 2018-2020 dựa trên tình hình dịch tễ tại các địa phương. Căn cứ số kinh phí được GF phân bổ, có thể là 15 tỉnh/thành phố hoặc hơn. Các SR có thể xem xét thay đổi tỉnh can thiệp. Ngoài ra, có thể mở rộng độ bao phủ các dịch vụ cộng đồng tới các tỉnh/thành phố mà dự án y tế quản lý có gánh nặng HIV nhưng việc tìm ca dương tính thấp.

Đối với dự án phòng, chống HIV/AIDS do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) triển khai, trong năm 2019 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, bao gồm: Mở rộng và đa dạng hóa xét nghiệm HIV với gần 3 triệu mẫu xét nghiệm HIV đã được thực hiện, phát hiện ra gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV; tiếp tục duy trì hơn 53.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế Methadone; mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho hơn 5.000 người; điều trị bằng thuốc ARV cho hơn 142.000 bệnh nhân, đặc biệt duy trì được tỷ lệ bệnh nhân điều trị virus đạt ngưỡng ức chế virus rất cao tới hơn 95%; đưa thuốc thuốc kháng virus mới (TLD) vào phác đồ chính thức để tối ưu hóa điều trị ARV tại Việt Nam; chuyển đổi việc chi trả điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang Quỹ Bảo hiểm y tế cho 50.000 bệnh nhân…

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhờ sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS từ trung ương đến địa phương nên dự án trong nhiều năm qua và 6 tháng đầu năm 2019 đều được xếp hạng A1.

Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS Lao và Sốt rét tài trợ với mục tiêu chung là góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội. 

Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng góp phần giảm 25% số trường hợp nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và 20% số người nhiễm HIV do quan hệ tình dục so với năm 2015; mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quẩn thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV góp phần đạt mục tiêu 90% số người còn sống nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình.

Bên cạnh đó, mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị thuốc kháng virus để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS góp phần đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế, đồng thời bảo đảm quá trình chuyển sang cơ chế hỗ trợ tài chính trong nước thông qua bảo hiểm y tế được thuận lợi nhất. Củng cố hệ thống thông tin để có chiến lược, giải pháp hiệu quả ứng phó với dịch HIV/AIDS.

Thùy Chi

}
Top