Quyền lợi người nhiễm HIV sử dụng BHYT trong trường hợp cấp cứu
Trong trường hợp cấp cứu, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được đưa vào bệnh viện không phải nơi đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu có được xem là KCB đúng tuyến không? Sau khi cấp cứu, người bệnh được cơ sở KCB cấp cứu chuyển về Cơ sở y tế đăng ký KCB ban đầu có đúng không? Người nhiễm HIV sử dụng thẻ BHYT có những quyền lợi gì?
Trả lời:
Điều 11 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT đã nêu rõ các trường hợp được xác định là đúng tuyến KCB BHYT.
Ảnh: Thùy Chi |
Trong trường hợp cấp cứu, Thông tư 40 quy định: Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào thì bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án; sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở KCB nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở KCB khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký KCB ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
Đối với quyền lợi của người nhiễm HIV khi KCB BHYT, thì tại Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện KCB BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế (DVYT) liên quan đến HIV/AIDS đã quy định: Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các DVYT liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT; người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các DVYT liên quan đến HIV/AIDS được Quỹ BHYT chi trả: thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT.