Sử dụng ma túy tăng nhanh hơn ở các nước đang phát triển

26/06/2020 12:58

Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), sử dụng ma túy toàn cầu đang gia tăng, trong khi COVID-19 đã tác động sâu rộng đến thị trường ma túy toàn cầu.

Cây thuốc phiện được trồng tại Afghanistan. Ảnh: Internet

Khoảng 269 triệu người sử dụng ma túy trên toàn thế giới vào năm 2018, cao hơn 30% so với năm 2009, trong khi hơn 35 triệu người bị rối loạn sử dụng ma túy, theo Báo cáo mới nhất của UNODC.

Báo cáo cũng phân tích tác động của COVID-19 vào thị trường ma túy. Do các quốc gia phải sử dụng các biện pháp phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác nên đã gây ra tình trạng thiếu nguồn cung ma túy dẫn đến tăng giá và giảm độ tinh khiết các loại ma túy.

Thất nghiệp gia tăng do đại dịch cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người nghèo nhất, khiến họ dễ lâm vào việc sử dụng và buôn bán ma túy cũng như trồng cây chứa chất ma túy để kiếm tiền, báo cáo cho biết.

"Các nhóm dễ bị tổn thương, thanh niên, phụ nữ và người nghèo chịu nhiều ảnh hưởng của vấn đề ma túy thế giới. Cuộc khủng hoảng COVID-19 và suy thoái kinh tế tác động đến hệ thống y tế và xã hội của chúng ta đang phải vật lộn để đối phó.

Chúng tôi cần tất cả các chính phủ đoàn kết lại và hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển, để giải quyết nạn buôn bán ma túy và cung cấp các dịch vụ dựa trên bằng chứng cho các rối loạn sử dụng ma túy và các bệnh liên quan, để chúng ta có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, thúc đẩy công lý và không để ai bị bỏ lại phía sau", ông Ghada Waly, Giám đốc điều hành UNODC cho biết.

Do COVID-19, những kẻ buôn bán ma túy phải tìm các tuyến đường và phương thức mới. Hoạt động buôn bán qua các web đen và các lô ma túy giấu trong bưu kiện có thể tăng lên, mặc dù chuỗi cung ứng bưu chính quốc tế bị gián đoạn.

Đại dịch cũng gây ra tình trạng thiếu opioid, do đó có thể dẫn đến việc người sử dụng các chất sẵn có hơn như: rượu, thuốc benzodiazepin hoặc trộn các loại thuốc tổng hợp. Nhiều người cũng chuyển sang hình thức tiêm chích.

Nhìn vào những ảnh hưởng tiếp theo của đại dịch hiện nay, Báo cáo cho rằng nếu các chính phủ phản ứng giống như đã làm với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi cắt giảm ngân sách phòng chống ma túy, thì các biện pháp can thiệp như phòng chống sử dụng ma túy và các hành vi rủi ro liên quan, dịch vụ điều trị bằng thuốc thay thế có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Các hoạt động đánh chặn và hợp tác quốc tế cũng có thể ít được ưu tiên, khiến những kẻ buôn ma túy dễ dàng hoạt động hơn.

Cũng theo báo cáo, cần sa là chất được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới vào năm 2018, với ước tính 192 triệu người sử dụng trên toàn thế giới

Trong thập kỷ qua, tổng số ca tử vong do rối loạn sử dụng opioid đã tăng 71%, với phụ nữ tăng 92% so với 63% ở nam giới.

Sử dụng ma túy tăng nhanh hơn ở các nước đang phát triển trong giai đoạn 2000-2018 so với các nước phát triển. Thanh thiếu niên và thanh niên chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số những người sử dụng ma túy, trong khi những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các loại ma túy vì bộ não vẫn đang phát triển.

}
Top