Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy
(Chinhphu.vn) - PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 sẽ tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy đến năm 2030, góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người.
Ma túy vẫn đang là hiểm họa lớn của toàn nhân loại
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với 9 Dự án thành phần do 8 Bộ, ngành chủ trì, phối hợp thực hiện vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, dự án 6: Tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy đến năm 2030 do Bộ Y tế phụ trách.
Chia sẻ về những mục tiêu, kế hoạch và giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của toàn nhân loại. Ma túy gây tác hại trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế…; đồng thời là một trong những nguyên nhân làm phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh con người, an ninh xã hội, sự ổn định, phát triển và trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc.
Tội phạm ma túy với tính chất xuyên biên giới, liên quốc gia đã trở thành một vấn đề của an ninh phi truyền thống và là một trong số các thách thức lớn cần tập trung quan tâm, ưu tiên hàng đầu để giải quyết, ứng phó, không chỉ ở phạm vi mỗi quốc gia, dân tộc mà còn là nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới và trong khu vực tác động trực tiếp đến nước ta, cũng như thực tiễn tình hình, công tác phòng, chống ma túy ở trong nước. Qua đó, phát huy những thành tựu, ưu điểm; khắc phục tồn tại, hạn chế; bảo đảm đầu tư đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới; góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; là điều kiện để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 tiến tới phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý. Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Hướng tới mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy
Chia sẻ về tính phù hợp, tính khả thi và tính hiệu quả của mục tiêu, các chỉ tiêu, dự án, tiểu dự án của Chương trình do Bộ Y tế thực hiện, PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, căn cứ trên định hướng và mục tiêu chung của Chương trình, việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án và tiểu dự án do Bộ Y tế đề xuất đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra đã bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao khi thực hiện bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho công tác điều trị nghiện ma túy và công tác xác định tình trạng nghiện ma túy là hai nhiệm vụ chính thuộc Chương trình mục tiêu do Bộ Y tế phụ trách. Đồng thời, các chỉ tiêu cũng hướng tới việc phát triển, nghiên cứu và đưa ra các loại thuốc và phương pháp mới trong y học hiện đại, y học cổ truyền ứng dụng trong công tác cai nghiện và điều trị nghiện ma túy.
Giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án 6 của Chương trình
Theo PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, đối với Dự án 6 của Chương trình, để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bộ Y tế đề xuất 6 nhóm giải pháp tổ chức thực hiện bao gồm: Tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng các hoạt động chuyên môn y tế liên quan đến phòng, chống ma túy đặc biệt là công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia công tác chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy, cai nghiện và điều trị nghiện ma túy;
Thí điểm các biện pháp can thiệp mới cho người sử dụng ma túy và các phương pháp điều trị nghiện ma túy, hỗ trợ cai nghiện ma túy cho người tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng;
Triển khai thực hiện các nghiên cứu về các loại ma túy mới để có định hướng đúng cũng như bằng chứng khoa học về tác hại của các loại ma túy mới từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp can thiệp phù hợp trong tương lai.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiên cứu phân tích ma túy trong dịch sinh học nhằm nâng cao chất lượng công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, đi kịp với xu hướng ngày càng gia tăng của các loại ma túy mới trên thế giới và tại Việt Nam.
Các đơn vị liên quan cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống ma túy nhằm đảm bảo việc liên thông giữa các hệ thống quản lý dữ liệu của các Bộ, ngành đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt và giảm gánh nặng cho cán bộ y tế trong công tác quản lý người nghiện ma túy.
Tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh xã hội
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho biết, Chương trình được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ có nhiều tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong công tác phòng, chống ma túy trên cả ba phương diện giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.
Qua đó, từng bước kiềm chế, kiểm soát, làm giảm tội phạm và tệ nạn ma tuý; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. "Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của đất nước", PGS.TS. Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Thùy Chi