Tăng cường phối hợp phòng chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục

19/01/2024 17:44

(Chinhphu.vn) - Việc tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.

Tăng cường phối hợp phòng chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục- Ảnh 1.

Bộ Công an và Bộ GD&ĐT ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng chống ma túy trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024-2030 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024-2030.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đồng chủ trì Lễ ký kết.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, hiện cả nước có gần 230.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 - 25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13 - 15 tuổi.

Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy túy tổng hợp thì có tới 70 - 75% người trong độ tuổi 17 - 35 tuổi, chiếm tỉ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên. Có thể thấy. học sinh, sinh viên là những đối tượng trẻ tuổi, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới nên đã và đang trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.

Trong khi đó thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, tội phạm lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang núp bóng dưới dạng: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử... để đối phó với cơ quan chức năng.

Tăng cường phối hợp phòng chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại lễ ký kết - ẢNh: VGP/Hoàng Giang

Đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các tiết học

Trước thực trang trên, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024-2030.

Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng các chương trình cụ thể, chuyên biệt để triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy trong học đường, đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các tiết học ở các cấp học; đồng thời có sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trong thời gian qua, công tác giáo dục phòng, chống ma túy trong trường học đã nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường và xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ quản lý, người đứng đầu các đơn vị và học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 356 ngày 03/02/2023 phê duyệt Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025". Hằng năm, Bộ GD&ĐT đã ban hành kịp thời văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội nói chung và công tác phòng, chống tội ma túy nói riêng trong dịp cao điểm…

Tuy nhiên, sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống ma túy còn nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với ngành Công an trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy còn chưa thực sự đồng bộ mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương (Bộ, tỉnh, huyện, xã) trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

Với việc ký kết chương trình phối hợp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tin tưởng công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Công an ngày càng khăng khít, chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện hiệu quả, thiết thực việc giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng cũng khẳng định cam kết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp này tại tất cả các địa phương.

Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình phối hợp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh một số lưu ý về việc triển khai chương trình. Trong đó, cần quan tâm tới việc triển khai linh hoạt, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi học sinh, sinh viên; cần sớm có kế hoạch, hướng dẫn để triển khai ngay những nội dung đã ký kết. 

Nội dung chương trình phối hợp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2024-2030 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Xây dựng và hình thành kỹ năng phòng, chống, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên.

Đẩy mạnh các hoạt động tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy, thi sáng tác các tác phẩm, tiểu phẩm, thi văn nghệ chủ đề phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên. Triển khai, nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy có hiệu quả.

Đưa nội dung pháp luật về phòng, chống ma túy vào chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục ở tất cả các cấp học. Xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên của các cấp học.

Tổ chức các hoạt động cao điểm phòng, chống ma tuý trong học sinh, sinh viên hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma tuý (Tháng 6), Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma tuý 26/6 hàng năm.

Tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội các nội dung về phòng, chống ma túy, kỹ năng tuyên phòng, chống ma túy. Triển khai các phương án, kế hoạch phối hợp phòng, chống ma túy, bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xung quanh trường học; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các cơ sở giáo dục.

Rà soát, phát hiện người nghiện là cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên để áp dụng các biện pháp cai nghiện; thực hiện công tác quản lý, giáo dục đối với người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) và Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối tham mưu triển khai thực hiện quy chế.

Hoàng Giang


Top