Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM

23/07/2024 09:28

(Chinhphu.vn) - Khu vực tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ HIV với giá cả phải chăng cho cộng đồng của các nhóm nguy cơ cao nhất. Do đó, TPHCM cũng đang chú trọng công tác tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS.

Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM- Ảnh 1.

Tổ chức cộng đồng hỗ trợ xét nghiệm HIV cho cộng đồng LGBT. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Để đáp ứng các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới và đạt được mục tiêu 95-95-95, thời gian qua khu vực tư nhân đã tham gia đầu tư và đóng góp đáng kể nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, cần thiết phải phát triển các phương pháp can thiệp dự phòng mới như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) cho các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao, mở rộng các phương thức xét nghiệm HIV, mở rộng chương trình điều trị thuốc kháng HIV…

TPHCM là địa phương được Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế ưu tiên đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 (nghĩa là 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng của họ; 95% những người được chẩn đoán dùng thuốc điều trị HIV và 95% những người được điều trị ức chế virus) vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ nguồn thuốc ARV miễn phí ngày càng giảm, thành phố đã hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm Y tế (BHYT) và hỗ trợ đồng chi trả cho người nhiễm HIV từ năm 2019 đến nay. TPHCM có khoảng trên 51.500 người nhiễm HIV đang được quản lý, trong đó hơn 47.600 người đang được điều trị thuốc kháng virus HIV. Hiện trên địa bàn thành phố 45 cơ sở điều trị ARV.

Đối với mục tiêu 95-95-95, TPHCM đã đạt 93% so với mục tiêu 95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ. 92,4% so với mục tiêu 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục. 98,4% so với mục tiêu 95% số người điều trị ARV kiểm soát được tải trọng virus ở mức ổn định.

Về công tác điều trị PrEP, TPHCM có 37 phòng khám công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn với khoảng 14.000 khách hàng sử dụng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV). Chương trình này được thí điểm triển khai với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).

Để tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. TPHCM thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm hại, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, TPHCM đang thực hiện tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, với sự hỗ trợ của Dự án USAID/PATH STEPS.

Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung thúc đẩy hoạt động này, tăng cường chuỗi cung ứng và thương mại cho sinh phẩm tự xét nghiệm HIV tại TPHCM, đặc biệt tập trung vào mục tiêu tăng cường sự sẵn có của sản phẩm và hệ thống phân phối thông qua các kênh truyền thống và phi truyền thống và nỗ lực đẩy mạnh các chiến lược tiếp thị, quảng bá và truyền thông tạo cầu nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tiếp cận được khách hàng đích một cách hiệu quả.

Ths. BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc triển khai các hoạt động cung ứng hàng hóa và dịch vụ HIV tại TPHCM. BS. Nga cho biết, TPHCM sẽ tập trung thúc đẩy hoạt động này, thành lập ban soạn thảo và nhóm hỗ trợ kĩ thuật để xây dựng và hoàn thiện kế hoạch PSE, nhằm đưa ra chiến lược cụ thể, bền vững các hoạt động, nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại TPHCM.

Thùy Chi

hiv
}
Top