Tăng huyết áp, ảo thị sau khi ăn 'nấm thần'

05/11/2018 16:20

Trong buổi giảng trực tuyến về các chất gây nghiện mới xuất hiện do Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV, Đại học Y Dược TPHCM tổ chức mới đây, BSCKII. Huỳnh Thanh Hiển-Trưởng khoa T3, Bệnh viện tâm thần TPHCM đã thông tin về một trường hợp nam thanh niên 19 tuổi nhập viện trong trạng thái nguy kịch.

Nấm thức thần gây ảo thị mạnh

Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, nam thanh niên (19 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang) nhập viện trong tình trạng huyết áp cao 189/109 mm/hg. Nam thanh niên này thú nhận có sử dụng nấm thần 1 lần duy nhất trước đó 6 tháng: Một nửa tai nấm được mua với giá 500 nghìn đồng và nhai nuốt trong 2 ngày.


Sau khi sử dụng, nam thanh niên mất ngủ vì cứ nằm xuống thì những màu sắc và hình ảnh sống động hiện ra và thường lo sợ có người theo dõi mình. Gia đình nhận thấy bệnh nhân luôn lo lắng, bồn chồn, không dám ra ngoài mới đưa đi khám.

Do huyết áp tăng cao, bác sĩ Hiển phải sử dụng 2 loại thuốc hạ huyết áp khẩn cấp cho bệnh nhân này, sau đó tích cực điều trị huyết áp cao và tim mạch.

'Nấm thần' gây ra ảo giác, mà ảo giác của nấm thì gây ra ảo thị”, bác sĩ Hiển cho biết.

Nói thêm về loại nấm này, BS Hiển cho biết, nấm thần còn gọi là nấm ma thuật dịch từ tiếng Anh là Magic Mushroom. Tên khoa học là Psilocybe pelliculosa mọc tại nhiều nơi trên thế giới như Bắc và Trung Mỹ, bán đảo Scandinavia và vài vùng tại Châu Á.

Có đến 200 loại nấm khác nhau thuộc họ này có chứa chất Psilocybin với hàm lượng khác nhau nên mức độ gây độc (ảo giác/hoang tưởng, rối loạn hệ thần kinh tự chủ…) cũng khác nhau. Điều này rất nguy hiểm vì dễ gây ngộ nhận và dẫn đến ngộ độc.

Các tài liệu khảo cổ cho thấy nấm thần đã được sử dụng trong các nghi thức tôn giáo thời tiền sử.

Albert Hofmann chiết xuất Psilocybin vào năm 1959 từ nấm Psilocybe. Trước đó, ông cũng là người điều chế LSD từ nấm cựa gà. Psilocybin bị cấm trên thế giới từ 1965 và từ năm 1995 tại Việt Nam.

Về dược lý học, psilocybin gián tiếp làm tăng nồng độ dopamine, điều này giải thích tác động gây ảo giác và hoang tưởng của nó. Điểm khác biệt của psilocybin với nhóm amphetamine là chúng gây ảo thị hầu như trong 100% trường hợp sử dụng, trong khi nhóm amphetamine thường gây ảo thanh.

Triệu chứng lâm sàng khá đa dạng và tùy thuộc vào nồng độ psilocybin: Ảo thị, cặp mắt lờ đờ, trắng dã hoặc mù tạm thời (do đồng tử giãn), bị kích thích, vật vã, vã mồ hôi, nôn ói, rối loạn nhịp tim và huyết áp (thường huyết áp và mạch tăng rất cao), rối loạn thân nhiệt và mất ngủ thường gặp trong tất cả các trường hợp.

Bác sỹ Hiển cho biết, hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị giống như các trường hợp nghiện ma túy đá.

}
Top