Tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong phòng chống tệ nạn xã hội

30/03/2023 11:18

(Chinhphu.vn) - Mặc dù được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định xã hội. Tuy nhiên tệ nạn xã hội vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, công tác phòng chống tệ nạn xã hội cần có tính đổi mới, sáng tạo để có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong phòng chống tệ nạn xã hội - Ảnh 1.

Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ xã hội phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 30/3, tại Thái Nguyên, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm giai đoạn 2023-2025 khu vực phía Bắc.

Bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ xã hội cho biết, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, pháp luật chỉ đạo về phòng, chống tệ nạn xã hội và đã thu được kết quả trên nhiều mặt, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội gồm 3 lĩnh vực chính: Phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đều đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trong giai đoạn 2021-2025: Chương trình phòng, chống mại dâm (Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021); Chương trình Phòng, chống ma túy (Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021); Chương trình phòng, chống mua bán người (Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021).

Đến nay, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đều đã ban hành Kế hoạch/Chương trình thực hiện cụ thể từng Chương trình. Qua gần 2 năm triển khai (2021-2022), theo đánh giá của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thì có đã có trên 67.000 lượt người nghiện ma túy được tư vấn, điều trị cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, tại gia đình đình, cộng đồng; số người bán dâm có nhu cầu, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng 22.532 lượt người; gần 630 người được xác minh và hơn 350 người được xác định là nạn nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong phòng chống tệ nạn xã hội - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo văn xã (VPCP), Ủy viên Thư ký Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Không ai bị bỏ lại phía sau

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ), Ủy viên Thư ký Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm cho biết, vừa qua, Chính phủ đã kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Thời gian tới, các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp để xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức chỉ đạo triển khai thống nhất công tác phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm trên địa bàn, bố trí và sử dụng có hiệu quả kinh phí và các nguồn lực…

Theo TS. Nguyễn Cửu Đức, việc triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Công điện 365/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021) đã đạt một số kết quả tích cực.

Nhiều địa phương đã chủ động rà soát, thống kê, lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy để quản lý như: Cao Bằng, Đắk Nông, Điện Biên, Hải Phòng, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Bình, Quảng Trị, Huế... Nhiều địa phương tích cực lập hồ sơ đưa nhiều người nghiện đi cai nghiện bắt buộc: Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Sơn La, Yên Bái... Sở Y tế 61/63 tỉnh, thành phố đã công bố 3.521 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Tuy nhiên hiện nay, công tác xác định tình trạng nghiện ma túy tại nhiều địa phương hiệu quả còn hạn chế; không bảo đảm về cơ sở vật chất, khu lưu trú dành riêng cho người nghiện ma túy; thiếu y bác sĩ. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tại nhiều địa phương chưa được triển khai hiệu quả.

TS. Nguyễn Cửu Đức đề nghị thời gian tới, các địa phương cần thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật số liệu người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Đồng thời khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai; chủ động lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ tái hòa nhập sau cai.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các mô hình: "Hỗ trợ tư vấn, pháp lý và xã hội chuyển gửi đối với người nghiện ma túy có sự tham gia của Tòa án", "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng", "Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ tại cộng đồng dân cư", "Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội"…

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bố trí lực lượng y bác sỹ đủ điều kiện, phương tiện phục vụ việc xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy. Rà soát, đánh giá, quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện phù hợp với thực tiễn. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng…

TS. Nguyễn Cửu Đức cũng chia sẻ một số giải pháp của Cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) đưa ra để không ai bị bỏ lại phía sau trong công tác phòng chống ma túy. Đó là thu thập và phân tích dữ liệu về người sử dụng, người nghiện ma túy theo giới tính và độ tuổi để có cách tiếp cận, can thiệp phù hợp. Mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ điều trị và cai nghiện ma túy cần thiết mà không bị kỳ thị hoặc phân biệt đối xử. Huy động các cơ quan, doanh nghiệp cùng phối hợp trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa và cai nghiện ma túy.

Hiện nay, hình thức giáo dục "mô hình đèn giao thông" đang được coi là phổ biến trên thế giới. Đèn xanh là dành cho những người chưa có vấn đề về ma túy; cần được giáo dục, tuyên truyền tránh xa ma túy. Đèn vàng là đối với những người chớm có vấn đề với ma túy; cần được phát hiện sớm và tư vấn hỗ trợ. Đèn đỏ là đối với những người đã nghiện ma túy, cần phải được chuyển gửi, điều trị và hỗ trợ phục hồi. Đây là vòng khép kín của công tác phòng, chống ma túy, bao gồm công tác phòng ngừa, can thiệp và điều trị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tình hình triển khai văn bản quy phạm pháp luật, các Quyết định của Thủ tướng, của Bộ trưởng tại các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn vướng mắc trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phải giải quyết và bài học kinh nghiệm, dự báo những khả năng, tình huống trong giai đoạn 2023-2025.

Tạo chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong phòng chống tệ nạn xã hội - Ảnh 3.

Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm giai đoạn 2023-2025 khu vực phía Bắc - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hiện nay tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Trên địa bàn cả nước, toàn quốc hiện hơn 111.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện và ước tính có gần 10.000 người bán dâm. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều do tính chất phức tạp, di biến động, tinh vi và trá hình của hoạt động mại dâm.

Tình trạng mại dâm trá hình, biến tướng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt là tình trạng nhân viên nữ múa thoát y khiêu dâm, kích dục cho khách tại một số quán bar, karaoke, vũ trường diễn ra ở một số địa phương…

Mại dâm dưới hình thức "hợp đồng", nhận con nuôi, bố nuôi (sugar baby- sugar dady) ngày càng phổ biến. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín khác nhau để câu móc, trao đổi, đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận địa điểm thực hiện hành vi mua bán dâm như: biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch; theo các hoạt động: tour du lịch, thể thao… thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm, xuất hiện nhiều đường dây bán dâm có mạng lưới liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Về công tác cai nghiện ma túy, theo thống kê, hiện nay toàn quốc có 191.410 người nghiện ma túy, trong đó có 95.049 người đang ở ngoài xã hội (chiếm 50%); 48.203 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có 71.981 người sử dụng, người nghiện có tiền an, tiền sự, đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ rất cao về tội phạm ma túy và các tội phạm khác.

Cả nước hiện nay có 110 cơ sở cai nghiện ma túy (97 công lập, 13 ngoài công lập), công suất đáp ứng được gần 60% nhu cầu cai nghiện, hàng năm các cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy cho khoảng 40.000 người; với 93 đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, năm 2023 cai nghiện cho gần 3.500 người.

Về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, mua bán người trong nước có xu hướng tăng; mua bán người thông qua tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng tăng và xuất hiện tình trạng lừa đảo lao động sang Campuchia vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng mở rộng sang Philippines, Lào.

Hàng năm, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận gần 3.000 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng, tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm…, gọi đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân…. Nạn nhân được tiếp nhận, hỗ trợ hàng năm không có dấu hiệu giảm, bình quân hàng năm đều hơn 100 nạn nhân được hỗ trợ.

Hoàng Giang

Top