Tập trung xây dựng hệ thống thông tin y tế và chuyển đổi số trong phòng chống HIV/AIDS

05/06/2024 08:51

(Chinhphu.vn) - Với sự hỗ trợ của các tổ chức và dự án, đặc biệt là US.CDC và PATH, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang tập trung đẩy mạnh việc thực hiện số hóa thông tin HIV/AIDS thông qua việc phát triển, nâng cấp và sử dụng các hệ thống phần mềm chuyên môn để quản lý thông tin HIV/AIDS.

Tập trung xây dựng hệ thống thông tin y tế và chuyển đổi số trong phòng chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Ngành y tế đang đẩy mạnh các hoạt động để hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, việc chuyển đổi số trong công tác phòng, chống HIV/AIDS rất quan trọng. Hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạtd động nhằm sớm triển khai, để trở thành một trong các đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số tại Bộ Y tế.

"Cục Phòng, chống HIV/AIDS xác định hoạt động xây dựng kế hoạch này là một nhiệm vụ trọng tâm để xác định rõ các mục tiêu, lộ trình cần thực hiện từ nay đến năm 2030 nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng như các dự án quốc tế tài trợ", PGS.TS. Phan Thị Thu Hương cho hay.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là chủ trương được Chính phủ, Bộ Y tế hiện thực hóa bằng các đề án, nghị định, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng, hiệu quả, công bằng cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

Tạo thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế

Cùng với cả nước những năm qua, ngành Y tế Đồng Nai đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng lộ trình triển khai đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm gần đây, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi một cách toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong khám chữa bệnh, nhờ đó mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế.

Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, với số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng đông, thời gian qua bệnh viện đã triển khai nhiều hình thức đăng ký phù hợp cho người dân. Như tiếp nhận bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh; sử dụng CCCD; sử dụng ứng dụng VssID, ứng dụng VNeID; sử dụng thẻ One Card và đăng ký trực tuyến thông qua phần mềm E-hospital của bệnh viện. Với những hình thức đăng ký này bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 giây để đăng ký.

Bệnh viện cũng đã triển khai các hàng chờ, bên trên là bảng điện tử thể hiện số thứ tự tại các quầy thanh toán, lãnh thuốc. Thay vì chen chúc để nghe gọi số, nay người bệnh có thể chủ động, chỉ cần theo dõi bảng điện tử và chờ đến lượt theo số thứ tự được cấp sẵn để đóng tiền hoặc lấy thuốc.

Chị Nguyễn Thu Tr. (30 tuổi, TP. Biên Hòa) cho biết, nay khâu khám, thanh toán, lấy thuốc rất nhanh. Không còn thủ công như trước. Thời gian khám bệnh được rút ngắn lại nhờ chuyển đổi số, chị Tr rất hài lòng về sự cải tiến này.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một bệnh viện, cơ sở y tế, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động với mong muốn cung cấp các giá trị đến cho bệnh nhân. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với mỗi đơn vị, tổ chức đó là cắt giảm chi phí vận hành, chăm sóc được nhiều bệnh nhân hơn trong thời gian ngắn hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của một bệnh viện hay trung tâm y tế.

Giai đoạn 2021-2025, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có 05 dự án phải hoàn thành gồm: xây dựng Trung tâm điều hành Y tế thông minh; xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc; triển khai hệ thống Bệnh án điện tử ngành Y tế giai đoạn 1; triển khai ứng dụng Tư vấn khám chữa bệnh từ xa; cung cấp thiết bị đầu cuối CNTT phục vụ chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Hướng tới xây dựng hệ thống y tế hiện đại

Tại TPHCM. Với sự hỗ trợ của USAID, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã triển khai hoạt động chuyển đổi số thông qua xây dựng phần mềm Quản lý thông tin hoạt động dự phòng và chuyển gửi các dịch vụ liên quan (KP eLog) đến HIV/AIDS. Hiện đã có 319 cơ sở tư vấn và xét nghiệm HIV, 19 tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực HIV kết nối và sử dụng hệ thống này với sự quản lý thống nhất của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM.

Việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kiểm soát và phòng chống dịch bệnh là một trong những công việc có tính then chốt trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố. Hoạt động này góp phần cải thiện khả năng dự báo, lập kế hoạch cũng như triển khai hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh ngày một tốt hơn.

TS.BS. Randolph Augustin, Giám đốc Phòng Y tế/USAID Việt Nam nhận định, để giải quyết các thách thức về chương trình HIV/AIDS, hướng tới đạt được các mục tiêu trong công tác phòng, chống HIV và để đạt được, duy trì mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 thì việc chuyển đổi số là việc làm rất quan trọng.

Tổ chức USAID đã bàn giao máy chủ của hệ thống PQM/CHIS cho HCDC. Các máy chủ này được bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM nhằm giúp Trung tâm chủ động hơn trong việc kết nối các hệ thống phần mềm liên quan đến dữ liệu HIV như tổng hợp dữ liệu từ ngoài cộng đồng vào hệ thống quản lý của Trung tâm thông qua CHIS (Community health information systems: hệ thống thông tin y tế cộng đồng).

Tất cả các dữ liệu từ dự phòng đến điều trị và giám sát ca bệnh đều được gom lại trong hồ chứa dữ liệu (Data Lake). Từ hồ chứa dữ liệu này phục vụ liên thông với dữ liệu của các chương trình sức khỏe thành phố, dữ liệu quốc gia và tự động xây dựng bảng chỉ số theo dõi chất lượng chương trình HIV PQM (Program Quality Management: bảng điều khiển theo dõi chất lượng chương trình HIV). Đây cũng là nền tảng giúp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM thực hiện quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành hoạt động kiểm soát và phòng chống dịch bệnh nói chung và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, các đơn vị từ trung ương tới địa phương rất tích cực trong công tác triển khai, đồng thời nhận được sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của các tổ chức quốc tế, đặc biệt chương trình PEPFAR, CDC Hoa Kỳ, PATH trong việc nâng cấp, hoàn thiện và mở rộng triển khai thành công hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ liên thông dữ liệu, bảo đảm an toàn bảo mật thông tin.

Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp hoàn thiện hệ thống, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như hoàn thiện hồ sơ bảo đảm quy định về an toàn bảo mật thông tin, kết nối với dữ liệu dân cư, tăng cường quản lý ca bệnh tại cộng đồng, góp phần thực hiện đề án chuyển đổi số ngành y tế cũng như Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS, chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến nay, Việt Nam phát hiện khoảng 230.344 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39, trong đó có 175.400 người được điều trị ARV (chiếm 76%), trung bình mỗi năm phát hiện thêm khoảng hơn 10.000 người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở nhóm nam tình dục đồng giới; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 112.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Thùy Chi

hiv
}
Top