Tết yêu thương cho trẻ HIV/AIDS ở Hà Nam

02/02/2021 14:39

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam vừa phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Hội Tấm lòng vàng Hà Nam tổ chức Chương trình “Tết cho em” để gặp mặt, tặng quà Tết cho trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn.

 Trao quà cho đại diện trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ảnh: TTKSBT

Tại Chương trình “Tết cho em”, với sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà hảo tâm, Ban tổ chức đã trao 25 phần quà tiền mặt và hiện vật cho đại diện các trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để hỗ trợ cho trẻ có một cái Tết “ấm áp” cùng gia đình và người thân. Đây là hoạt động nhằm động viên, khích lệ và giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đón tết vui vẻ, đầy đủ.

Chương trình “Tết cho em” là một hoạt động có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện được sự quan tâm chăm sóc của các tổ chức, các mạnh thường quân đối với các cháu có hoàn cảnh kém may mắn, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Đây còn là hoạt động thể hiện nỗ lực không ngừng để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng đối với các em nhỏ bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp cho các em xóa đi mặc cảm của bản thân cũng như những định kiến của xã hội.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 7/2020, Hà Nam có 6 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS trong đó có 5 phòng đặt tại các Bệnh viện tuyến huyện, 1 phòng đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Hoạt động đều trị nội trú được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Lao & bệnh phổi.

Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV đã tập trung triển khai với các gói dịch vụ theo hướng toàn diện, kết hợp giữa chăm sóc và điều trị tại cơ sở y tế với chăm sóc, hỗ trợ dựa vào gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, Hà Nam còn triển khai chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân tại Trại giam Nam Hà, Trại Tạm giam Công an tỉnh và Trung tâm Điều trị nghiện ma túy và PHCN tâm thần. Hiện nay có 593 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV).

Các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV ngày càng được đẩy mạnh, vừa tăng độ bao phủ (mở rộng phạm vi can thiệp hơn; tiếp cận được nhiều người có hành vi nguy cơ cao hơn…). Các hoạt động tiếp cận cộng đồng, giáo dục đồng đẳng để truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su và bơm kim tiêm.

Để đạt được mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV”, trong thời gian tới Hà Nam chú trọng các hoạt động: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền ở các cấp; đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của các lực lượng xã hội, của mọi gia đình và từng người dân; mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đưa các dịch vụ đến với mọi người dân có nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm ca nhiễm HIV trong cộng đồng cần tập trung vào mở rộng mạng lưới dịch vụ xét nghiệm tại cộng đồng (test nhanh). Kết nối thành công từ tư vấn xét nghiệm HIV đến quản lý, chăm sóc và điều trị ARV. Tổ chức xét nghiệm tải lượng virus cho bệnh nhân điều trị ARV, trong đó quan tâm tới số kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng (<1.000 bản sao/ml)…

Đồng thời, thực thi nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp để huy động được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính bảo đảm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang cắt giảm mạnh.
}
Top