Thái Lan phê duyệt hợp pháp hóa cần sa y tế
Cơ quan lập pháp Thái Lan đồng ý việc hợp pháp hóa cần sa dùng trong lĩnh vực y tế và nghiên cứu. Đây là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa y tế.
Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA, tức Quốc hội Thái Lan) đã biểu quyết thông qua việc sửa đổi đạo luật ma túy ban hành năm 1979 trong phiên họp bổ sung, nơi các nhà làm luật phải "chạy đua" xử lý nhiều dự luật trước thềm năm mới.
Trong khi nhiều quốc gia như Colombia và Canada đã hợp pháp hóa cần sa y tế, thậm chí cần sa tiêu khiển, cần sa vẫn là chất cấm ở nhiều nước Đông Nam Á, nơi có nhiều quốc gia áp dụng hình phạt hà khắc nhất cho tội phạm ma túy. Chẳng hạn, buôn lậu cần sa có thể bị tử hình ở Singapore, Indonesia và Malaysia.
Tuy nhiên, rào cản chính trong việc có nên hợp pháp hóa việc dùng cần sa chữa bệnh hay không ở Thái Lan nằm ở chỗ nếu được thông qua, các nhà sản xuất cần sa y tế Thái sẽ thua các đối thủ nước ngoài trên chính sân nhà.
Nguyên nhân là một số công ty nước ngoài sản xuất sản phẩm có chiết xuất từ cần sa đã được Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan cấp bằng sáng chế. Điều này có thể cho phép các công ty ngoại chiếm lĩnh thị trường và bệnh nhân cũng như giới khoa học Thái sẽ khó tiếp cận sản phẩm cần sa cần thiết để chữa bệnh hoặc nghiên cứu.
Giới nghiên cứu Thái đã đề xuất chính phủ thu hồi các yêu cầu cấp bằng sáng chế cho sản phẩm có chiết xuất từ cần sa của các công ty nước ngoài trước khi luật ma túy sửa đổi có hiệu lực.