Thái Nguyên: Điều trị Methadone đạt 125% kế hoạch

29/04/2020 14:19

Trong 5 năm triển khai Đề án duy trì và mở rộng chương trình điều trị người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh có 08 cơ sở điều trị và 18 cơ sở cấp phát thuốc. Tính đến đầu năm 2020, có 10 cơ sở điều trị đạt 125% kế hoạch (do chuyển 02 cơ sở cấp phát thành cơ sở điều trị) và 14/18 cơ sở cấp phát thuốc.

 Làm thủ tục cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 10 cơ sở điều trị và 14 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Trong các năm 2015 - 2017, lượt bệnh nhân điều trị Methadone đều vượt chỉ tiêu, đạt từ 102-106% kế hoạch; năm 2018 -2019 đạt lần lượt 96% - 81,2% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do số người nghiện chất dạng thuốc phiện hàng năm giảm nhẹ và bệnh nhân tham gia các chương trình điều trị nghiện khác.

Tính đến hết tháng 3/2020, toàn tỉnh có 3.600 bệnh nhân đang điều trị Methadone. Theo đánh giá chung, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt: Giảm tỉ lệ người phụ thuộc vào ma túy; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu thông qua đường tiêm chích ma túy; quản lý, phát hiện các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu; góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương; tạo cơ hội việc làm cho nhiều người nghiện ma túy…

Điều trị Methadone ngăn chặn các hiệu ứng phấn khích do tác dụng ma túy, góp phần điều chỉnh hành vi tâm lý, giảm rõ rệt mẫu thuẫn trong gia đình và ngoài cộng đồng. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, bệnh nhân có hành vi ảnh hưởng đến gia đình giảm từ 90% trước điều trị xuống còn 2,27% sau 24 tháng điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm mạnh, bình quân từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 2 năm tham gia điều trị

Với những hiệu quả tích cực, việc tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại trong nhóm người nghiện chích ma túy, đặc biệt là điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trong giai đoạn tiếp theo là việc làm cần thiết trên địa bàn. Do đó, trong thời gian tới ngành Y tế tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục mở rộng chương trình điều trị Methadone.

Địa phương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành Y tế, Công an, Xây dựng đề án vị trí việc làm phải thực hiện theo quy định; đồng thời yêu cầu ngành Y tế tỉnh tích cực phối hợp với Công an, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong trao đổi thông tin, cung cấp số liệu và quản lý người điều trị Methadone; xây dựng kế hoạch cụ thể về Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2021-2025…
}
Top