Thái Nguyên: Giải pháp bảo đảm tài chính phòng, chống HIV/AIDS
Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 sẽ giảm được 25% người nhiễm HIV qua đường tiêm chích, giảm 20% người nhiễm HIV qua đường tình dục; 80% người nghiện ma túy điều trị thay thế bằng Methadone; 90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được điều trị sớm bằng ARV; giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 2%...
Điều trị nghiện bằng Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Thùy Chi |
Để thực hiện mục tiêu này, dự kiến giai đoạn 2018-2020 toàn tỉnh cần trên 164 tỷ đồng chi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS như: Truyền thông can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị bằng ARV… trong đó ngân sách tỉnh chi trả gần 20 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ được chi trả từ nguồn quỹ BHYT, viện trợ quốc tế, ngân sách Trung ương và một phần nhỏ do người bệnh chi trả.
Trong khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh. Ngân sách cho công tác này hạn chế, do đó công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều thách thức, cần phải có giải pháp bảo đảm tài chính.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ huy động mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng những người nhiễm HIV, những nhóm đồng đẳng viên tham gia hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại.
Sở Y tế tỉnh sẽ rà soát lượng người nhiễm HIV đang còn ẩn mình trong cộng đồng, xây dựng kế hoạch cụ thể bảo đảm tài chính công tác phòng chống HIV/AIDS trong đó có một phần ngân sách tỉnh và phải xây dựng sớm để trình UBND tỉnh thông qua.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết tháng 9/2017, lũy tích toàn tỉnh phát hiện trên 9,6 nghìn người nhiễm HIV trong đó trên 6,2 nghìn người còn sống. Hiện, toàn tỉnh có trên 3,5 nghìn người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV); trên 2,4 nghìn người nghiện được điều trị thay thế bằng Methadone.
Trong 5 năm trở lại đây, số người nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm tại tỉnh giảm, tuy nhiên chưa bền vững; số người đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) có độ bao phủ điều trị 57%.