Thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc

17/07/2020 08:54

Anh tôi bị nghiện ma túy, mỗi lần lên cơn nghiện là không kiểm soát được hành vi của mình. Nay gia đình muốn đưa anh đi cai nghiện bắt buộc, xin hỏi thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Ảnh minh họa

Theo quy định có hai hình thức cai nghiện: cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về trường hợp cai nghiện bắt buộc và Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về cai nghiện tự nguyện.

Khoản 2 Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thuộc về TAND cấp huyện. Thời hạn áp dụng biện pháp này là từ 12 tháng đến 24 tháng.

Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối tượng cai nghiện tại gia đình là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình. Chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú có thẩm quyền quyết định xem xét cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Như vậy để đi cai nghiện bắt buộc anh bạn phải thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 136/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ:

“Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định”.

Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng trái phép ma túy và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu hành vi sử dụng trái phép ma túy bị phát hiện bởi cá nhân thì cá nhân đó báo cho công an cấp xã nơi người có hành vi vi phạm để lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ.

Thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sĩ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh…

Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Sau 5 ngày kể từ ngày thông báo trên, cơ quan lập hồ sơ đánh bút lục và lập thành 2 bản, bản gốc gửi Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý, bản sao lưu tại cơ quan lập hồ sơ.

Sau thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được lập thành văn bản và sau đó gửi cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.

Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đối chiếu hồ sơ đề nghị theo quy định với nội dung văn bản kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì đánh bút lục và lập thành hai bản, bản gốc chuyển cho TAND cấp huyện, bản sao lưu tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

TAND cấp huyện sẽ xem xét hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì Tòa án sẽ ban hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của TAND cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đưa người đi thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
}
Top