Thẩm tra dự thảo Pháp lệnh về đưa người từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

01/03/2022 13:57

(Chinhphu.vn) - Sáng 1/3, Ủy ban Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 4, thẩm tra dự án Pháp lệnh trình tự thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thẩm tra dự thảo Pháp lệnh về đưa người từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp

Còn quan điểm khác nhau về hoãn, chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện

Trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh trình tự thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới, trong đó quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Với lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cần thiết.

Quá trình xây dựng dự thảo Pháp lệnh, TANDTC đã triển khai tổ chức, nghiên cứu theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:Tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Pháp lệnh và xin ý kiến góp ý đối với dự thảo này.

Theo đó, dự thảo Pháp lệnh gồm 05 chương, 48 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chi phí, lệ phí xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

Sau khi nghiên cứu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Pháp lệnh, TANDTC đã tổ chức họp tiếp thu, chỉnh lý.

Tuy nhiên, về nội dung quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại còn có một số quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đây là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người và cần phải được quy định bởi luật.

Mặt khác, theo thứ bậc có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thì Pháp lệnh không dẫn chiếu đến quy định tại văn bản có giá trị hiệu lực thấp hơn. Hơn nữa, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định điều kiện áp dụng cho cả đối tượng là người trên 18 tuổi, chưa phù hợp với đối tượng là người dưới 18 tuổi. Do vậy, Pháp lệnh cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, dự thảo Pháp lệnh cần quy định cơ chế kiểm soát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị trong việc xem xét, áp dụng hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại, cụ thể như người bị đề nghị có quyền khiếu nại, cơ quan, tổ chức có quyền kháng nghị, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị các quy định này của Tòa án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại vấn đề này, chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Do đó, không nên quy định nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh.

Tiếp tục rà soát để chỉnh lý các nội dung tương ứng

Tại phiên họp, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo ý kiến bước đầu về dự án Pháp lệnh.

Về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nêu trong Tờ trình như: Điều kiện hoàn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ông Hoàng Văn Liên cho biết, đa số ý kiến tán thành loại ý kiến thứ nhất, bởi vì: Luật Phòng, chống mà túy chưa quy định nội dung nói trên. Dự thảo Pháp lệnh quy định các điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, là phù hợp với khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Điều 57 và Điều 58 của Nghị định số 116 quy định chi tiết nội dung nêu trên và Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định chung cho cá đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên, có quy định không phù hợp với người dưới 18 tuổi, mặt khác chưa bao quát hết các trường hợp ở độ tuổi này, do đó, dự thảo Pháp lệnh quy định nội dung này là phù hợp.

Liên quan đến việc kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 4), khoản 1 Điều 4 dự thảo Pháp lệnh quy định “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát về trình tự, thủ tục trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật".

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, việc TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có tác động đến quyền con người. Về bản chất, hoạt động của Tòa án là hoạt động tư pháp. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thi VKS có chức năng, nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp. Khi kiểm sát hoạt động tư pháp đối với quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, VKS không chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục, mà còn kiểm sát cả việc chấp hành pháp luật của người tiến hành phiên họp và người tham gia phiên họp, thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu để bảo đảm việc giải quyết đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đúng quy định của pháp luật. Dự thảo Pháp lệnh cần được tiếp tục rà soát để chỉnh lý các nội dung tương ứng cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKSND.

Về thời điểm có hiệu lực quyết định của Tòa án, Nhóm nghiên cứu nhận thấy, quyết định của Tòa án tác động trực tiếp tới người bị đề nghị; quyết định có lực là phải chấp hành ngay. Việc quy định thời điểm có hiệu lực đối với từng loại quyết định cũng là một loại chính sách (đối với người dưới 18 tuổi). Do vậy, đề nghị ra soát các quy định trong dự thảo Pháp lệnh về thời điểm có hiệu lực của từng loại quyết định của Tòa án quy định phù hợp, bảo đảm lợi tốt nhất đối với người bị đề nghị và tránh phát sinh các đối với các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng có báo cáo về một số nội dung khác của pháp lệnh như: Thủ tục thân thiện; Thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Việc ủy quyền cho Trưởng phòng Lao động-Thương binh-Xã hội…

Theo báo Công lý

}
Top