Tham vấn ý kiến cộng đồng về điều trị nghiện chất

30/11/2020 14:00

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Dự án Vusta - Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến cộng đồng về điều trị nghiện chất”.

TS. Nghiêm Vũ Khải, Giám đốc Dự án Vusta. Ảnh: Thùy Chi

TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Giám đốc Dự án Vusta cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kiến thức về điều trị nghiện chất và thảo luận các ý kiến cộng đồng về dự thảo Luật phòng, chống ma túy. Luật phòng, chống ma túy năm 2000 đã được sửa đổi , bổ sung năm 2008 bao gồm 8 chương, 56 điều.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập, do vậy để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả hơn và để bảo vệ tốt hơn nữa quyền công dân của các đối tượng địch Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận và sửa đổi lần 5.

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi lần 5) hiện được xây dựng với bố cục gồm 9 chương, 72 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Luật sửa đổi lần 5 dự kiến sẽ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua trong năm 2021.

TS. Nguyễn Thu Trang, Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Lạm dụng chất – HIV, Đại học Y Hà Nội cho biết, học tập kinh nghiệm của quốc tế và nhất là trong bối cảnh lây truyền HIV chủ yếu qua đường tiêm chích ma túy, Việt Nam đã bắt đầu triển khai thí điểm điều trị Methadone tại TP Hải Phòng và TPHCM từ tháng 4/2008.

Nghiên cứu hiệu quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone sau 12 tháng điều trị cho thấy, chương trình điều trị giúp giảm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, giúp cải thiện sức khỏe cho người nghiện, nâng cao chất lượng cuộc sống… Khi so sánh điều trị duy trì bằng Methadone với các mô hình khác, điều trị Methadone đem lại hiệu quả cao hơn chi phí do giảm chi phí phát sinh từ dịch vụ y tế và pháp luật.

Tại Việt Nam, sau 3 năm, chi phí điều trị Methadone trung bình là 85,73 triệu, rẻ hơn so với chi phí cai nghiện tập trung bắt buộc. Đồng thời, trung bình số ngày một bệnh nhân điều trị Methdone không sử dụng ma túy nhiều hơn so với một người hồi gia từ các cơ sở cai nghiện tập trung bắt buộc 344 ngày.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa để giúp những người nghiện ma túy dễ tiếp cận chương trình điều trị, tạo điều kiện, nâng cao chất lượng điều trị và đẩy mạnh công tác truyền thông để giảm tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những bệnh nhân tham gia điều trị…
Top