Thanh Hóa: Gần 54 nghìn người được xét nghiệm HIV nhờ dự án
(Chinhphu.vn) – Đẩy mạnh công tác truyền thông, can thiệp dự phòng và tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, đã có gần 54 nghìn người được xét nghiệm HIV trong năm 2020 nhờ dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi
Năm 2020, trên địa bàn Thanh Hóa hoạt động can thiệp giảm hại phát bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy đã thực hiện tại 18 huyện, thị xã, thành phố; can thiệp bao cao su cho phụ nữ bán dâm tại TX Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn; can thiệp bao cao su cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa và một số huyện.
Cùng với đó, can thiệp bằng thuốc Methadone tại 27 cơ sở và 17 điểm cấp phát thuốc ở 24 huyện (trừ Vĩnh Lộc, Như Thanh, Như Xuân). Can thiệp bằng thuốc Buprenorphine tại 3 cơ sở CDC Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Như Thanh.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV tại Trung tâm Y tế và Bệnh viện đa khoa 27 huyện, thị xã, thành phố, 5 trại giam, trại tạm giam và CDC Thanh Hóa; xét nghiệm sàng lọc lây truyền mẹ con tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Điều trị ARV tại 34 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS ở 26 bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, CDC Thanh Hóa, Trung tâm 06, 5 trại giam, trại tạm giam…
Trong năm 2020, tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông, can thiệp dự phòng và tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện. Toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 53.702 người; cấp phát bơm kim tiêm cho nhóm nghiện chích ma túy hơn 1,8 triệu lượt đối tượng, bao cao su cho hơn 1,4 triệu lượt đối tượng; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 2.281 người tư vấn; điều trị ARV cho 4.011 bệnh nhân… Qua đó đã góp phần thực hiện bảo đảm các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS, mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS.
Trong năm 2021, Thanh Hóa sẽ duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng; mở rộng chẩn đoán sớm thông qua hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm và xét nghiệm tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị thuốc kháng virus ARV để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS, bảo đảm quá trình chuyển sang BHYT được thuận lợi; củng cố hệ thống thông tin để có chiến lược, giải pháp hiệu quả ứng phó với dịch HIV/AIDS... góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Dự án Quỹ toàn cầu HIV/AIDS do Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (Bộ Y tế) triển khai thực hiện tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 năm (2018-2020), trong đó có Thanh Hóa.